Nói một cách công bằng, trong 5 năm qua, hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất nỗ lực xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, tổng nợ xấu đã giảm từ trên 17% xuống dưới 3%. Song những khoản nợ “khó nhằn” nhất (trên 200.000 tỷ đồng) vẫn đang nằm trong kho của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Và nguyên nhân lớn nhất khiến nợ xấu nằm im trong kho là do VAMC mua nợ với giá sổ sách, chứ không phải giá thị trường và trả nợ bằng trái phiếu, chứ không phải bằng tiền tươi. Do vậy, việc mua bán nợ không có ý nghĩa thanh khoản.
Thời gian qua, NHNN thực hiện chủ trương không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, mà chỉ gom nợ vào VAMC sau đó giải quyết từ từ. Điều này đang khiến nợ xấu tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lãi suất giảm chậm… Có chuyên gia ví von, nợ xấu hiện như “bãi rác đầu làng”, càng để lâu càng bốc mùi nặng. Nếu không dọn sớm, bãi rác này sẽ gây thêm nhiều “bệnh” cho nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng cho vay đúng quy trình, nhưng doanh nghiệp không may gặp rủi ro về thị trường, giá cả… thì nợ đẹp cũng biến thành nợ xấu |
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, ngân sách phải vào cuộc để xử lý nợ xấu. Giải pháp này, ở Việt Nam, theo đánh giá chung là cần, thậm chí rất cần, bởi nợ xấu không hẳn chỉ của ngân hàng.
Thực tế, nhiều ngân hàng cho vay đúng quy trình, nhưng doanh nghiệp không may gặp rủi ro về thị trường, giá cả… thì nợ đẹp cũng biến thành nợ xấu. Điều đáng lo nhất là nếu không giải cứu nợ xấu, có thể ngân hàng vẫn sẽ tồn tại, nhưng nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp sẽ chết từ từ vì teo vốn.
Tất nhiên, trước khi quyết dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, cũng cần phải phân loại được các đối tượng nợ và tìm ra cơ chế chia sẻ khoản lỗ giữa Nhà nước, chủ nợ và ngân hàng. Mặc dù vậy, ngay cả khi chủ trương dùng ngân sách xử lý nợ được thông qua, câu hỏi khó nhất vẫn là ngân sách lấy đâu ra tiền để xử lý nợ xấu? Một thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho hay, rà đi rà lại, quả thực ngân sách không còn khoản nào, kể cả khoản dự trữ. Do vậy, dù rất nên, song sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu là giải pháp không thực tế.
Rõ ràng, chưa nói đến sự hợp lý hay không hợp lý, thì vấn đề nan giải nhất của việc lấy ngân sách xử lý nợ xấu là tính khả thi.
Cho đến nay, nguồn lực xử lý nợ xấu khả dĩ và lớn nhất của Việt Nam là cơ chế.
Cơ chế thứ nhất là tạo điều kiện cho VAMC và các ngân hàng bán nợ thông thoáng, không cần sự nhất trí của chủ nợ. Làm được điều này, nợ xấu sẽ nhanh chóng được đẩy đi, nhưng lại phải sửa hàng loạt nghị định, luật liên quan.
Cơ chế thứ hai, là hỗ trợ tối đa về cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, từ đó có năng lực trả nợ.
Cơ chế thứ ba là có chính sách thông thoáng phát triển thị trường mua bán nợ (nhất là cơ chế định giá, đấu thầu), vời các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để bỏ bớt các điều kiện không cần thiết, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường này, đồng thời biến nợ xấu thành một loại hàng hóa dễ giao dịch.
Dĩ nhiên, nếu ngân sách có thêm vài ba ngàn tỷ đồng để “tăng lực” cho VAMC, giúp cơ quan này có vốn mồi để kích hoạt thị trường nợ, sử dụng để quay vòng, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia thị trường… thì đó là điều rất cần thiết.
Dù bằng giải pháp nào, vấn đề xử lý nợ xấu hiện rất cấp bách và cần quyết tâm chính trị cao độ. Nếu vừa chờ đợi ngân sách có nguồn, vừa chậm xử lý cơ chế, chắc chắn thời gian xử lý nợ xấu sẽ còn kéo dài.
Trong khi chờ đợi những quyết sách hợp lý, cùng với việc tìm nguồn lực xử lý nợ, có lẽ các cơ quan quản lý cần nghiêm khắc, dứt khoát hơn với ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Trước nhất là những ngân hàng nào chây ỳ xử lý nợ, để mất vốn quá lớn sẽ phải chọn giải pháp sáp nhập, mua lại với giá 0 đồng, thậm chí là cho phá sản.