Sốt rét là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền qua muỗi Anopheles. Bệnh sốt rét thường có biểu hiện: rét run, ớn lạnh, sốt, vã mồ hôi, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như thiếu máu não, suy thận, suy gan, hôn mê sốt rét và tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ mang thai.
TS. Hoàng Đình Cảnh trao đổi với phóng viên về tình hình sốt rét tại Việt Nam |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2022 toàn cầu có 249 triệu bệnh nhân sốt rét ở 85 quốc gia, tăng 5 triệu bệnh nhân sốt rét so với năm 2021. Châu Phi vẫn là khu vực có tình hình sốt rét nặng nhất, ước tính có khoảng 233 triệu bệnh nhân sốt rét, chiếm 94% bệnh nhân sốt rét toàn cầu.
Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, năm 2022 có khoảng 1,9 triệu bệnh nhân sốt rét tăng 23% so với năm 2021. Bệnh sốt rét vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác phòng chống sốt rét đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sốt rét đã giảm mạnh.
Năm 2023, 46 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét, toàn quốc chỉ còn 448 bệnh nhân sốt rét và 2 trường hợp tử vong do sốt rét. Đây là sự nỗ lực của đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ ngành và chính quyền địa phương, trong đó có vai trò nong cốt của ngành y tế cùng các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Tuy nhiên, sốt rét vẫn còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng cần quan tâm. Năm 2023, 2 tỉnh đứng đầu là Khánh Hòa với 208 bệnh nhân sốt rét và Lai Châu với 93 bệnh nhân sốt rét. Các tỉnh có số lượng bệnh nhân sốt rét cao có cả các tỉnh đã loại trừ sốt rét như Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM.
Năm 2024, trong 16 tuần qua, cả nước phát hiện được tổng số 130 bệnh nhân sốt rét, tăng 128 % so với cùng kỳ, trong đó tập trung tại tỉnh Khánh Hòa là 86 bệnh nhân sốt rét chiếm 66% số nhiễm của cả nước.
Toàn quốc hiện còn khoảng 4 triệu người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành, chủ yếu là người dân sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới đi lại khó khăn, khó tiếp cận các dịch vụ y tế về xét nghiệm, điều trị.
Vấn đề giám sát, quản lý phòng chống và loại trừ sốt rét cho đối tượng dân di biến động vẫn còn là một thách thức lớn. Người dân tại vùng sốt rét lưu hành, đồng bào dân tộc ít người, người lao động thời vụ, đi nương rẫy không ngủ màn, không uống thuốc đúng/đủ liều khi bị bệnh, người dân đi làm ăn theo thời vụ đến vùng sốt rét lưu hành trong nước cũng như ở nước ngoài, nhất là các quốc gia khu vực Châu Phi.
Muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tính, muỗi kháng hóa chất nên công tác phòng chống sốt rét gặp nhiều khó khăn.
Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng chống sốt rét. kinh phí dành cho hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét chuyển về cho địa phương, ngân sách hạn chế, còn khó khăn vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống và loại trừ sốt rét.
Để phòng chống sốt rét tại Việt Nam, TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, chúng ta cần xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét phù hợp với giai đoạn hiện nay để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương thay thế nguồn viện trợ; duy trì tính bền vững.
Cũng theo ông Cảnh, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chính sách. Đồng thời duy trì và tăng cường hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn - hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh - lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế - chủ động giám sát và phòng chống véc tơ - tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực - duy trì hệ thống giám sát, báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng và điều trị sốt rét.
"Tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc tơ, kháng thuốc cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp", TS. Hoàng Đình Cảnh nói.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cần đảm bảo cho người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét kịp thời đối với cảc cơ sở y tế công lập và tư nhân. Người dân trong vùng nguy cơ được bảo vệ bằng các biện pháp thích hợp phòng chống muỗi sốt rét.
Đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức phù hợp để nâng cao kiến thức và hành vi của người dân để tự chủ động bảo vệ cá nhân trước bệnh sốt rét. Áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các biện pháp mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét..
Đồng thời quan tâm đầu tư nguồn lực từ địa phương, trong nước và thu hút đầu tư quốc tế, Quản lý, điều phối có hiệu quả hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại các địa phương; quan tâm hỗ trợ, động viên, khuyến khích nhân viên y tế, nhân viên xã hội làm công tác phòng chống sốt rét..
Về phía tổ chức quốc tế, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong loại trừ bệnh sốt rét.