Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã có thông báo tìm các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại huyện Đông Anh.
Dự án sẽ tọa lạc tại ở ba xã của huyện Đông Anh, bao gồm Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh. Khu đô thị có quy mô 268 ha với số lượng căn hộ dự kiến khoảng 12.833 căn. Khi được hoàn thành, đây dự kiến là nơi định cư của khoảng 38.500 người.
Tổng số vốn đầu tư sơ bộ của dự án là 33.093 tỷ đồng. Trong đó, số tiền dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến khoảng 2.090 tỷ đồng. Hiện khu đất này vẫn chưa giải phóng mặt bằng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án đến hết năm 2031.
Trước mắt, Đông Anh cùng với Gia Lâm là hai huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trước năm 2025. Tuy nhiên, đây không phải là lợi thế duy nhất của huyện Đông Anh.
Cụ thể, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.
Thành phố phía Bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời, đây cũng sẽ là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao của Hà Nội.
Nắm bắt được tiềm năng của Đông Anh, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã mạnh tay “đổ vốn” tại đây. Một trong những dự án tiêu biểu có thể kể đến là thành phố thông minh của chủ đầu tư North Hanoi Smart City (liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo). Điểm nổi bật của dự án 4,2 tỷ USD này là tháp tài chính 108 tầng, đây sẽ là công trình cao nhất Việt Nam khi được hoàn thành.
Ngoài ra, “ông lớn” Vinhomes cũng sẽ có mặt tại huyện Đông Anh, thông qua dự án Vinhomes Cổ Loa. Trong cuộc họp đại hội cổ đông đầu năm nay, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, dự án đang ở bước pháp lý cuối cùng và có thể mở bán ngay trong năm nay.