Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ. |
Là người đứng đầu cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện mở cửa để phục hồi kinh tế của các tỉnh, thành phố trong Vùng?
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021, các tỉnh, thành phố phía Nam chịu ảnh hưởng hưởng rất nặng nề. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, từ giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố phía Nam để tập trung phòng, chống dịch bệnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, từ giữa tháng 9/2021, các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Trải qua thời gian khá dài đóng cửa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - TP.HCM và khu vực kinh tế quan trọng bậc nhất về nông nghiệp - công nghiệp phía Nam, việc mở cửa để phục hồi kinh tế khi dịch bệnh đã được kiểm soát là rất cần thiết, nhưng tôi cho rằng, với cách “mở cửa” có nhiều ràng buộc và hạn chế như hiện nay, thì ĐBSCL phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể khôi phục trở lại.
Ông có thể nói rõ hơn, những điểm hạn chế đó là gì?
Tổng hợp từ các địa phương, hiện các doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất, nhưng mới đạt tỷ lệ từ 30 - 50% số doanh nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, trong đó, số doanh nghiệp có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều. Bình quân chỉ có khoảng 250 - 300 doanh nghiệp hoạt động trở lại với công suất 20 - 40% tùy từng địa phương, do thiếu lao động và phụ thuộc vào quy định quản lý khác nhau ở mỗi nơi.
Điểm chung hiện nay của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL là mở cửa, nhưng mới chỉ cho phép đi lại trong nội tỉnh, còn bên ngoài vào thì phải theo quy định riêng của từng địa phương. Những rào cản này khiến các doanh nghiệp trong vùng, nhất là doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hay các nhà máy ở vị trí giáp ranh giữa các tỉnh không có công nhân đi làm vì ở “địa phương khác”.
Người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi những quy định không đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Có nơi quy định, chỉ những người đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và phải xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ hoặc 48 giờ mới được phép vào tỉnh. Có tỉnh thì buộc người từ địa phương khác đến phải cách ly 7 ngày, một số tỉnh quy định cách ly 14 ngày, không ít tỉnh buộc người dân phải có giấy phép đồng ý từ UBND tỉnh mới được vào… Quy định “rối” như vậy khiến doanh nghiệp chịu “bó tay”, khi người ở một nơi, còn cơ quan cấp phép thì ở tỉnh khác.
Các tỉnh, thành phố hiện đều khống chế được dịch bệnh, tình trạng gần như nhau, thì tại sao không thống nhất để doanh nghiệp và người dân được thuận lợi hơn? Mở cửa nhưng vẫn còn nhiều quy định như vậy, thì có phục vụ phát triển kinh tế không?
Những doanh nghiệp có nhiều văn phòng, nhà máy cần trực tiếp đến kiểm tra, xử lý, nhất là sau thời gian dài đóng cửa, nhưng không thể đến rồi phải nằm chờ nhiều ngày theo quy định. Có những công nhân chỉ ở cách nhà máy chưa đến 10 km, nhưng vì khác tỉnh nên không thể đi làm.
Với TP.HCM và 4 tỉnh lân cận, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mật độ dân số cao, nhưng cũng đã có sự thống nhất đi lại, trong khi các tỉnh Tây Nam bộ đang kiểm soát dịch tốt hơn thì lại hạn chế. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể và thực tế đó là một thực thể với 17 triệu dân, thì có lẽ 13 tỉnh, thành phố sẽ không có 13 cách quản lý riêng như thế này.
Vậy theo ông, việc mở cửa để phục hồi và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cần được thực hiện như thế nào trong bối cảnh hiện nay ?
Vấn đề đặt ra là, mở cửa có kiểm soát hay kiểm soát việc mở cửa?
Chủ trương của Chính phủ là phải thận trọng trong việc mở cửa, nhưng phải linh hoạt để tạo điều kiện tốt nhất có thể. Một cách nào đó, mở cửa trong thế chủ động, có kiểm soát để tránh nguy cơ bùng phát dịch, chứ không phải mở cửa trong sự lo lắng rồi ràng buộc hoặc hạn chế với nhiều quy định không phù hợp bối cảnh thực tế của xã hội.
Dường như, các địa phương vẫn bị bó buộc bởi những quy định trước đây, bước sang trạng thái “bình thường mới” nhưng lại chưa có cách quản lý mới.
Nếu coi doanh nghiệp là “pháo đài”, thì phải để cho pháo đài tự quyết quyền tự vệ của mình, không thể tiếp tục có những kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, làm mất thời gian, nhưng lại không mang lại kết quả. Đã cho sản xuất tập trung tại chỗ, “cách ly” công nhân với bên ngoài đủ dài, nhưng lại buộc xét nghiệm dày đặc, thì không chỉ vừa gây hao tổn nguồn lực, chi phí, mà còn làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của người lao động.
Những nhà quản lý cần nhận ra rằng, nền kinh tế và sức chịu đựng của doanh nghiệp đã tới hạn, nên cần thực hiện ngay những gì có thể để duy trì hệ thống sản xuất thật sớm, nếu không, sẽ khó phục hồi.
Liên kết vùng rất cần thiết. Ngay lúc này, khu vực Tây Nam bộ đang cần một sự thống nhất về cách mở cửa và hợp tác giữa các địa phương để bắt đầu công cuộc tái thiết kinh tế vùng. Nếu không, mọi nơi đều chạy, còn ĐBSCL sẽ tiếp tục ì ạch bởi những quy định tự trói chân mình.