Phiên họp sáng 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Chính phủ đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, cơ quan của Quốc hội đề nghị giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này.
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (Luật BHXH) trong phiên họp sáng 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một trong những thay đổi đáng chú ý ở lần sửa đổi này là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Bộ trưởng Dung cho biết, theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH.
Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.
Do vậy, Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Ông Dung nêu rõ, quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban có hai loại ý kiến về thay đổi nói trên.
Bên cạnh ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ, loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo lương hưu được nhận không quá thấp, bảo đảm sàn an sinh xã hội nhất định và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và ý kiến tham gia thẩm tra của một số cơ quan của Quốc hội cho rằng, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án, đề nghị Chính phủ giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này liệu có ảnh hưởng đến nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng về kinh tế hoặc mức sàn an sinh xã hội tối thiểu, có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần “rút bảo hiểm một lần” không?
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một trong một trong những lý do được nêu ra về rút bảo hiểm xã hội một lần là do thời gian đóng để hưởng quá dài. Thực tiễn cũng dài và so với thông lệ quốc tế cũng dài. "Hiện nay là 20 năm. Người ta đi làm trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch, giữa 20 năm sau với cái trước mắt thì đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn cái trước mắt bởi thấy dài quá", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, nghị quyết 28 của Trung ương hướng lộ trình tới 10 năm đóng - hưởng nhưng có đoạn trung gian là 15 - 20 năm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm được người lao động đồng tình ủng hộ,
Tuy nhiên, ông Anh nói, để khuyến khích người lao động từ 45 tuổi trở lên tham gia BHXH để hưởng lương hưu thì do cách tính thời gian đóng BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng thì người lao động băn khoăn, khi người đóng 15 năm được hưởng 33,75%. Đây là điều mà nhiều người lao động băn khoăn và đề nghị xem xét ở khía cạnh chia sẻ để hỗ trợ với những người khi nghỉ hưu có thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống.
Điều 74 dự thảo Luật quy định "Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội".
Thường trực Ủy ban Xã hội (cũng là ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách) cho rằng, quy định như trên chưa bảo đảm tính định lượng, việc tăng trưởng kinh tế không ảnh hưởng đến chi phí đời sống của người được hưởng lương hưu. Do vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc không đưa tăng trưởng kinh tế vào cơ sở để điều chỉnh lương hưu.