Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 5.169 tỷ đồng. |
Gửi báo cáo công tác đến các vị đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến khái quát, năm 2024 tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong kỳ báo cáo (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đã khởi tố 38.320 vụ (giảm 2,3%), trong đó, phát hiện nhiều tội phạm với phương thức, thủ đoạn, hoạt động tinh vi, phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nhà nước, liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công, đấu thầu, đất đai, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn.
Điển hình là vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Ban Quản lý dự án công trình xây dựng Y tế tỉnh Bắc Ninh (AIC Bắc Ninh).
Cho biết tội phạm tham nhũng, chức vụ, đã khởi tố mới 1.027 vụ (tăng 17,1%), Viện trưởng thông tin, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh điện, xăng dầu.
Báo cáo dẫn một số vụ điển hình như vụ vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Vụ vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.
Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố. Vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil;...
Theo Viện trưởng, năm 2024 ngành kiểm sát đã tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo, đồng thời ban hành chỉ thị, hướng dẫn thực hiện trong công tác này. Ngành kiềm sát cũng đã chủ động phối hợp các ngành liên quan trong giải quyết vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phối hợp kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu và xuyên suốt trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, Viện trưởng cho hay, đã tham mưu xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với những người biết ăn năn, hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Xác định thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác của các đơn vị; ban hành Chỉ thị về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế ; trình Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Trong kỳ, đã thu hồi thông qua công tác thi hành án dân sự là 117.343.257 triệu đồng/228.043.237 triệu đồng (đạt tỷ lệ 51,5%). Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi là 26.215.117 triệu đồng/1.149.233.159 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng còn tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch nhiều tài sản khác - Viện trưởng thông tin.
Một số vụ án thu hồi tài sản cao được nêu tại báo cáo, như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và các đơn vị có liên quan đã thi hành xong hơn 8.000 tỷ đồng. Vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 5.169 tỷ đồng. Vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh thành, quá trình khám xét Cơ quan ANĐT đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 1.320 tỷ đồng;...
Nhìn nhận hạn chế, Viện trưởng nêu, do các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ đều có tính chất phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm đối tượng, phạm vi địa bàn phạm tội rộng; hành vi phạm tội diễn ra một thời gian dài mới bị phát hiện, khởi tố, dẫn đến việc thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh đó, quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, xác định thiệt hại trong một số vụ án chưa thống nhất, phải họp bàn nhiều lần. Công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng của một số vụ án, vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng, hầu hết đều chậm dẫn đến việc giải quyết vụ việc, vụ án chậm tiến độ, nhiều vụ việc hết thời hạn điều tra, xác minh chưa có kết luận giám định, định giá tài sản.
Công tác thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can, bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử còn mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng. Việc thu thập thông tin, xác minh ban đầu đối với các vụ việc liên quan đến giao dịch ngân hàng còn gặp khó khăn, các đối tượng phạm tội chủ động xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán, hợp lý hóa tài sản..., Viện trưởng nhìn nhận.