Ngày 21/6 UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị giới thiệu danh mục dự kiến các dự án ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phối cảnh Khu tổ hợp đổi mới sáng tạo,nghiên cứu 300 ha nằm ở phái Tây Bắc sân bay Long Thành |
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 sẽ kêu gọi đầu tư 36 dự án thuộc 5 lĩnh vực gồm: công nghiệp 6 dự án; dịch vụ 6 dự án; đô thị 7 dự án; hạ tầng giao thông 10 dự án và văn hóa, xã hội 7 dự án.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai sẽ mời gọi đầu tư ít nhất 3 khu công nghiệp xanh chuẩn net-zero; một khu công nghệ thông tin tập trung 100 ha tại huyện Long Thành.
Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi 4 dự án trung tâm logistics hiện đại cấp vùng cạnh sân bay và cảng biển.
Đối với lĩnh vực hạ tầng, một số dự án quan trọng được đưa vào danh mục đầu tư như: Sân bay Biên Hòa; cầu Cát Lái; đường Vành đai 4, và một loạt chuỗi đô thị xung quanh sân bay Long Thành.
Thông tin đến nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện nay quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua.
Các dự án đưa vào danh mục mời gọi đầu tư đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua và đã báo cáo các cơ quan chức năng của Trung ương nên tính khả thi rất cao.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, việc công bố các danh mục đầu tư để doanh nghiệp tiếp cận được bước đầu với quy hoạch của tỉnh. Từ đó, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị khi tỉnh chính thức công bố quy hoạch sau khi được Chính phủ thông qua.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng chia sẻ quan điểm của tỉnh là công bố quy hoạch minh bạch, công khai để tất cả các nhà đầu tư đều bình đẳng tiếp cận với các dự án. Việc các nhà đầu tư được tiếp cận dự án bình đẳng sẽ giúp Đồng Nai có cơ hội lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.
Theo dự thảo báo cáo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Đồng Nai định vị các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế thông qua 4 giá trị gồm: trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại; trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.