Tiêu dùng
Đồng Nai: Khả năng tiêu thụ nông sản liên kết chưa tương xứng với tiềm năng
Hoài Sương - 19/10/2024 06:23
Khả năng tiêu thụ sản phẩm liên kết tại Đồng Nai hiện chưa tương xứng với sản lượng thực tế sản xuất. Phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái.

Chưa đạt nhiều kết quả

Ngày 18/10, Sở Công thương TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai  tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.

Hiện nay Đồng Nai đã xây dựng và triển khai thực hiện 50 chuỗi thực phẩm an toàn, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn nhằm giới thiệu các loại sản phẩm chủ lực như: Thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa… 

Hội nghị triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.

Ngoài ra Đồng Nai có 273 chuỗi liên kết với sự tham gia của 127 doanh nghiệp, 70 hợp tác xã và 15.300 hộ gia đình tham gia. Đồng thời có 43 cơ sở giết mổ với tổng công suất 2.820 gia súc/ngày, 48.500 gia cầm/ngày; 47 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thịt heo, gà với quy mô tiêu thụ nguyên liệu 100.000 tấn/năm; 150 cơ sở nhỏ lẻ chế biến thủ công nông sản phẩm từ thịt với tổng công suất khoảng 1.000 tấn sản phẩm/năm. 

Tuy nhiên, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai nhận định, hiện sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết chưa tương xứng với sản lượng thực tế sản xuất, phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái. 

Những năm qua, Sở đã và đang phối hợp cùng các sở, ngành và các địa phương trên cả nước đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào hệ thống các siêu thị và các bếp ăn tập thể, kết nối hệ thống tiêu thụ nhưng tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng tiêu thụ qua các kênh này vẫn còn khá khiêm tốn.

Nâng chất lượng để tăng kết nối

Thời gian qua, có nhiều địa phương, doanh nghiệp có năng lực, cố gắng áp dụng các giải pháp để đáp ứng đòi hỏi chất lượng. Thế nhưng vẫn có nhiều đơn vị còn gặp không ít khó khăn, không theo kịp xu thế.

Bà Trần Thị Hà, Hộ kinh doanh kỹ nghệ tổng hợp CohaFood chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với chúng tôi thời gian qua là tìm kiếm nguồn cung đạt chất lượng. Một ví dụ điển hình là sau khi nhiều nhà cung cấp giới thiệu rằng mình là đơn vị giết mổ sạch, đạt tiêu chuẩn nhưng lại không thể chứng minh bằng chứng nhận nhận cụ thể. Sau thời gian dài liên tục tìm kiếm đơn vị phù hợp với mong muốn sản xuất xanh, sạch, hiện chúng tôi đã có nguồn thịt đáp ứng chỉ tiêu và cung cấp được các tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…”, bà Hà thông tin. 

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng liên kết, tiêu thụ.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, thách thức lớn nhất là từ con người và sự quyết tâm. Việc sản xuất, kinh doanh ngày nay đòi hỏi mọi thứ điều minh bạch, vì vậy cần xem lại chính bản thân doanh nghiệp đã sẵn sàng minh bạch chưa? Bởi giá thành để kiểm soát, quản lý chất lượng và thu hồi sản phẩm chỉ chiếm 35 đồng/sản phẩm. 

“Như vậy, đây không là câu chuyện khó khăn về giá, trong khi chi phí cho đầu tư công nghệ cao hiện không quá cao. Do đó, quan trọng là chúng ta có quyết tâm thực hiện hay không?”, ông Trung nhận định.

Cũng theo ông Trung, hiện đã có hệ thống quản lý chất lượng và thu hồi sản phẩm cho 8 chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp các đơn vị này gia tăng khả năng quản lý, nhanh chóng phát hiện sản phẩm có dấu hiệu liên quan đến mất an toàn thực phẩm, chất lượng không đảm bảo hoặc bao bì không tốt… Các sản phẩm này sẽ nhận được thông tin phản hồi nhanh chóng từ người dân, cửa hàng bán lẻ, các chuỗi siêu thị hoặc từ chính quyền nhằm mang lại thị trường tốt và sạch hơn.

Có thể thấy, sản phẩm chất lượng sẽ có giá tốt, nếu doanh nghiệp không chủ động nâng cấp thì dù đẩy mạnh liên kết cũng sẽ khó tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc là điều doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cần thực hiện càng sớm càng tốt.

“Tại Hương Vĩnh Cửu, nguồn thức ăn đầu vào được doanh nghiệp sử dụng từ Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam với chất lượng đã được chứng minh. Ngoài ra, tất cả nguồn cung được chúng tôi kiểm tra chất lượng đầu vào kĩ càng. Ví dụ điển hình như doanh nghiệp sẽ có phần mềm lưu lại thông tin mỗi lô cám được sử dụng cho lô heo nào; thông tin cụ thể nhân sự phụ trách ở mỗi khu vực; kiểm tra chất lượng đầu ra… nhằm kiểm soát sản phẩm khi tung ra thị trường”, bà Hương thông tin.

Tin liên quan
Tin khác