Điểm nóng
Đông Nam Á: “Thánh địa” của hải tặc
Mai Chi - 10/10/2014 08:47
Tính cả vụ tàu chở dầu SunRise của Việt Nam vừa bị cướp biển tấn công trên vùng biển Singapore, từ tháng 4/2014 đến nay, đã có hơn 10 vụ cướp xảy ra ở khu vực này. Cướp biển hoành hành đã biến Đông Nam Á trở thành một trong những vùng biển nguy hiểm nhất thế giới và làm dấy lên mối lo về an ninh hàng hải khu vực.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tàu Sunrise 689 về đến vùng biển Việt Nam
Nóng: Thuyền trưởng tàu Sunrise 689 đã gọi điện báo về
Quốc tế nỗ lực tìm kiếm tàu chở dầu Sunrise 689 của Việt Nam mất tích
SOS! Cướp biển lại hoành hành ở Đông Nam Á
   
  Tàu chở hàng san sát qua eo biển Singapore - một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Ảnh: Getty Images  

Táo tợn giữa ban ngày

Mới đây nhất, ngày 28/8, tại vị trí gần đảo du lịch Tioman, phía Đông Malaysia, một nhóm cướp có vũ trang tấn công tàu chở dầu của Thái Lan trên đường từ Singapore về nước. Toàn bộ dầu bị bơm sang một tàu khác, trong lúc thủy thủ đoàn bị nhốt trong phòng máy. Sau khi bọn cướp hút hết dầu, thủy thủ đoàn cùng con tàu được thả và trở về Thái Lan nguyên vẹn. 

Trước đó hồi tháng 5/2014, tàu chở dầu diesel Orapin 4 của Thái Lan bất ngờ mất tích khi từ Singapore đến Indonesia. Sau khi được tự do, thuyền trưởng Thiwa Saman của Orapin 4 cho biết, rạng sáng 27/5, 3 tay cướp biển với súng và kiếm đã bắt giữ các thủy thủ và phá hệ thống liên lạc của tàu. “Bọn cướp biển nói rằng sẽ không giết hại chúng tôi mà chỉ muốn lấy dầu” - ông Thiwa kể. Bọn cướp biển lấy quần áo của các thủy thủ trên tàu Orapin để mặc nên dễ dàng rút dầu vào buổi sáng trên vùng biển đông đúc mà không hề bị để ý. Trong vòng 10 giờ, chúng rút hết 4 triệu lít dầu trị giá 2 triệu USD. May nhờ một chiếc radar không bị phá mà tàu Orapin 4 đi được tới một hải cảng gần Bangkok. Thuyền trưởng Thiwa cho biết, nhiều tuần sau đó ông và các thủy thủ vẫn không dám quay trở lại làm việc vì quá sợ hãi. 

Giám đốc Trung tâm Thông tin về cướp biển thuộc Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) - ông Noel Choong cho hay, kể từ tháng 4-2014 đến nay, đã có hơn chục vụ cướp tàu dầu xảy ra ở khu vực Đông Nam Á.

Tối 14/6, tàu chở dầu MT Ai Maru đang di chuyển ngoài khơi Malaysia thì một chiếc canô tốc độ cao bất ngờ xuất hiện và áp sát mạn tàu. 7 tên cướp biển với súng và dao leo lên boong tàu, phá cửa buồng lái và trói 13 thủy thủ Thái Lan cùng thuyền trưởng người Indonesia, đập phá hệ thống liên lạc của con tàu. Một chiếc tàu chở nhiên liệu khác do bọn cướp biển điều khiển cũng lao tới. Chỉ trong vài giờ, chúng rút tổng cộng 700.000 lít dầu diesel từ tàu MT Ai Maru sang tàu của chúng. Sáng sớm 15/6, hải quân và cảnh sát biển Malaysia tiếp cận tàu gặp nạn MT Ai Maru, nhưng bọn cướp biển đã biến mất từ lâu. Số nhiên liệu chúng cướp trị giá 550.000USD. 

Nhật Bản - một trong các quốc gia phụ thuộc nhiều vào tuyến đường qua eo biển Malacca cũng có tàu bị cướp biển tấn công. Ngày 23/4, tàu chở dầu Naniwa Maru 1 của Nhật Bản bị  tấn công ngoài khơi thành phố cảng Port Klang của Malaysia. 8 tên cướp biển, có khả năng là người Indonesia đã xông lên tàu, cầm súng và kiếm khống chế thủy thủ đoàn, rồi điều 2 tàu khác tới và lấy hơn 3 triệu lít dầu diesel trị giá 2,5 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, phía Malaysia tình nghi ba người trong thủy thủ đoàn đã thông đồng với bọn cướp.

Tại sao cướp biển trỗi dậy?

Từ nhiều thế kỷ nay, Malacca và eo biển Singapore đã tạo thành tuyến vận chuyển chiến lược có tầm quyết định sống còn đối với các nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế các nước Đông Nam Á phát triển mạnh, vị trí của cung đường hàng hải eo biển Malacca - Biển Đông lại càng đóng vai trò lớn hơn. Đây là nơi chiếm 1/4 lượng giao thông hàng hải thế giới hàng năm. Mỗi năm có khoảng 50 nghìn tàu thuyền qua lại, bao gồm tàu chở dầu, tàu chở container, tàu đánh cá. Ngay cả đối với Australia, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, châu Âu và Hoa Kỳ thì tuyến vận tải biển quốc tế này có thể được coi là cung đường huyết mạch.

Do tầm quan trọng của tuyến đường biển này nên tàu thuyền qua lại nơi đây từ lâu đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công cướp biển. Theo thống kê, eo biển Malacca chiếm tới 1/3 các vụ cướp biển trên thế giới. Trong năm 2013, đã có 107 vụ tấn công của cướp biển nhằm vào các tàu hàng trong vùng biển Indonesia - quốc gia kiểm soát phần lớn eo Malacca. Theo Global Post, các vụ cướp ở Malacca đã tăng đến 700% chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cướp biển đã hoạt động mạnh trên eo biển Malacca từ thế kỷ 14, trở nên khét tiếng thế kỷ 18 - 19 khi thực dân châu Âu đến Đông Nam Á, thúc đẩy giao thương trên biển. Năm 2005, tỉ lệ các vụ cướp biển ở Malacca tăng đột biến, đến nỗi công ty bảo hiểm Lloyd của Anh phải gọi đây là “vùng chiến sự”. Trong 3 năm trở lại đây, cướp biển lại trỗi dậy, đến nỗi vùng biển Đông Nam Á hiện được coi là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới.

Nguyên nhân nào khiến vùng biển Đông Nam Á trở thành “điểm nóng” về nạn cướp biển? Nơi hẹp nhất của eo biển Malacca chỉ rộng 37km và độ sâu cũng chỉ có 25m, tạo điều kiện thuận lợi cho những vụ tấn công chớp nhoáng. Cùng với đó, tình trạng khói mù thường xuyên do cháy rừng, làm giảm tầm nhìn cũng là yếu tố khiến cướp biển hoành hành.

Sâu xa hơn, nghèo đói, tác động của sự suy thoái hệ sinh thái chính là nguyên do khiến những ngư dân bị bần cùng hóa chọn con đường trở thành cướp biển. Nhưng quan trọng hơn cả, trong khi lưu lượng tàu hàng qua eo biển Malacca tăng lên thì lực lượng hải quân của 3 nước cùng quản lý eo biển này là Singapore, Indonesia, Malaysia chưa có biện pháp phối hợp hiệu quả. 

Chính vì vậy, an ninh hàng hải tại vùng biển Đông Nam Á vẫn luôn là mối lo ngại, nhất là đối với các nước phụ thuộc nhiều vào con đường vận chuyển hàng hải chiến lược này. Và cũng do sự quan tâm và can dự của các nước lớn, nên vấn đề xung quanh eo biển Malacca cũng chứa đựng nhiều hệ luỵ phức tạp.  

Tin liên quan
Tin khác