Thời sự
Đồng Tháp: Tân Hồng phát triển giao thương cửa khẩu vùng biên
Huỳnh Huy - 31/12/2017 11:48
Tân Hồng là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp với 2 huyện của tỉnh Prâyven (Campuchia), nên có nhiều thuận lợi trong giao thương, phát triển du lịch vùng biên.
TIN LIÊN QUAN

Kinh tế Tân Hồng tăng trưởng khá, với nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, kinh tế biên giới phát triển đáng kể, hoạt động thương mại, công nghiệp tăng dần. Trong 5 năm qua, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,08%/năm; thu nhập bình quân ước đạt trên 24 triệu đồng/người.

Điểm nổi bật là Tân Hồng là đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bước đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất lao động.

.

Đến nay, Tân Hồng đã hoàn chỉnh công tác quy hoạch 2 cụm công nghiệp: Kho Gáo Lồng Đèn và Dinh Bà, trong đó, có 3 dự án đã đầu tư đưa vào hoạt động. Toàn huyện có gần 700 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động.

Lĩnh vực xây dựng cơ bản luôn được quan tâm thông qua các chương trình, dự án như Chương trình Cụm, tuyến dân cư giai đoạn II, Dự án Kinh tế quốc phòng, đầu tư và nâng cấp các tỉnh lộ ĐT 842, 843, 845...

Kết quả đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện trong 5 năm qua đạt gần 1.200 tỷ đồng, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và nông thôn Tân Hồng. Công tác chỉnh trang và xây dựng mới hạ tầng đô thị được tăng cường. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2016 đạt gần 20% và tỷ lệ huy động vốn xã hội của Tân Hồng tăng bình quân trên 10%/năm.

Thời gian tới, Tân Hồng sẽ tập trung huy động nguồn lực để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường phát triển thương mại - dịch vụ, khai thác kinh tế biên giới. Nâng cao chất lượng lao động, gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Phối hợp thực hiện có hiệu phát triển kinh tế với quốc phòng; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới.

Theo Nghị quyết Đảng bộ huyện, giai đoạn 2016 - 2020, Tân Hồng đã đề ra 16 chỉ tiêu, gồm: 7 chi tiêu kinh tế, 7 chỉ tiêu văn hóa - xã hội, môi trường và 2 chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh. Huyện đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể để huy động có hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội ở mức 5.050 tỷ đồng, trong đó, đầu tư công 1.174 tỷ đồng (chiếm 23%), để thực hiện Đề án Phát triển kinh tế biên giới của tỉnh, đầu tư nội địa và các dự án phục vụ kinh tế - quốc phòng.

Tăng cường phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1580/QĐ-TTg ngày 9/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Trong đó, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông vận tải, kho cảng, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng và các cơ chế, chính sách... để thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Dinh Bà.

Liên kết hình thành tuyến du lịch tham quan mua sắm ở cửa khẩu (Dinh Bà - Cao Lãnh, Dinh Bà – Phnom Penh); tham quan di tích lịch sử Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, di tích Huỳnh Công Huy, chùa Tân Long…

Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, dịch vụ biên giới; chú trọng phát triển nhanh các loại hình dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và giải trí, bưu chính - viễn thông, tín dụng...; hỗ trợ khôi phục các mặt hàng truyền thống, thực phẩm sạch, chất lượng cao của địa phương, đồng thời hình thành các đầu mối xuất khẩu sang Campuchia.

Ông Mai Văn Siêng, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, thời gian tới, Tân Hồng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển giao thương biên giới, nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án, đề án, tập trung huy động các nguồn vốn cho xây dựng. Cụ thể:

Thứ nhất, rà soát lại các đề án, kế hoạch trên tất cả các lĩnh vực để tiến hành điều chỉnh bổ sung những giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư nhà máy, xí nghiệp, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Thứ ba, tận dụng các nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn kêu gọi đầu tư khác để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác.

Thứ tư, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh các xã biên giới, tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là hộ dân sống ở các cụm dân cư ven biên giới.

Tin liên quan
Tin khác