Doanh nghiệp sản xuất da giày đã kiệt quệ sau một thời gian dài giãn cách, nhưng mở cửa lại cũng không dễ. |
Xuất khẩu “ngấm đòn”
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư xảy ra khi ngành dệt may và da giày bước vào mùa cao điểm trong sản xuất, với số lượng đơn hàng tăng mạnh khi các thị trường truyền thống Mỹ, EU và Trung Quốc đều phục hồi. Đợt dịch này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp, khiến cho hàng ngàn lao động bị nhiễm và rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dệt may và da giày là 2 ngành sử dụng nhiều lao động nhất, với 3,5 triệu lao động trực tiếp và 1,5 triệu lao động gián tiếp, đóng góp lớn cho xuất khẩu. Năm 2019, xuất khẩu 2 ngành này gần 60 tỷ USD.
Cơ hội xuất khẩu theo các FTA rất lớn cho 2 ngành, nhưng Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã làm chuỗi cung ứng của 2 ngành ảnh hưởng trầm trọng. Năm 2020, cả 2 ngành đều tăng trưởng âm sau nhiều năm tăng trưởng dương và tình hình tệ đi nhiều tính từ đợt dịch từ cuối tháng 4/2021 đến nay.
Ông Cẩm cho hay, đợt dịch lần thứ tư đã khiến 28 tỉnh, thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16. Dệt may có 1,2 triệu lao động đóng tại các địa phương này, kéo xuất khẩu tháng 8 giảm xấp xỉ 16% so với tháng 7 và gần 2,7% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, tình hình chưa mấy cải thiện khi xuất khẩu chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm trên 9% so với tháng 8 và 10,5% so với cùng kỳ 2020.
Xuất khẩu giày dép cũng lao dốc, chỉ đạt khoảng 700 triệu USD trong tháng 9, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó xuất khẩu túi xách cũng giảm 48%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 9 giảm gần 24% so với cùng kỳ.
Phương án phòng chống dịch không thống nhất tại các địa phương, nơi đóng nơi mở, nơi chặt nơi lỏng đã khiến sản xuất, lưu thông đã khó càng thêm khó.
Các nhãn hàng vì lo ngại bị chậm trễ thời gian giao hàng đã chuyển những đơn hàng chưa sản xuất ra nước ngoài. Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. 60% doanh nghiệp dệt may và da giày bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm.
Doanh nghiệp kiệt quệ
Công bố Báo cáo về ngành dệt may - da giày trong làn sóng Covid-19 năm 2021, TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động nhấn mạnh, doanh nghiệp trong 2 ngành này đã kiệt quệ.
Trung tâm sản xuất tại miền Nam đã mất 10 tuần ngừng hoạt động, có 17 khu công nghiệp tại TP.HCM chỉ hoạt động 26,4% công suất và dự kiến thiếu 35-37% lao động tới cuối năm 2021. Đối với doanh nghiệp hoạt động theo “3 tại chỗ”, chi phí vận hành trong đại dịch tăng mạnh, chi phí chống dịch tốn thêm hơn 2,2 tỷ đồng/tuần cho 1 nhà máy quy mô 1.100 lao động.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) bức xúc, doanh nghiệp đã kiệt quệ sau một thời gian dài giãn cách, nhưng mở cửa lại cũng không dễ. “Điều kiện mở cửa sản xuất đối với doanh nghiệp quá phức tạp, việc di chuyển công nhân đi làm vấp phải quy định khác nhau tại mỗi địa phương, khiến việc phục hồi sản xuất tại doanh nghiệp thực sự nan giải”, bà Xuân phản ánh.
Tương tự, thông tin về khó khăn của doanh nghiệp dệt may, bà Nguyễn Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Vitas cho biết, doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn đều rất khó về tài chính. “Tôi vừa trao đổi với Chủ tịch một doanh nghiệp FDI dệt may, họ nói dòng tiền trong doanh nghiệp đã cạn đáy rồi, nói gì đến doanh nghiệp trong nước chủ yếu quy mô vừa và nhỏ”.
Trước hàng loạt khó khăn về hồi phục sản xuất, dồn sức cho 3 tháng cuối năm và đầu năm 2022, bà Mai khuyến nghị, cần phải khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Hỗ trợ càng nhanh thì càng sớm phục hồi niềm tin của người lao động đối với Chính phủ và doanh nghiệp. Tâm lý của họ được hồi phục sẽ tác động đến quyết định quay trở lại nhà máy làm việc sớm, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành đơn hàng, chuẩn bị đơn hàng mới.
Ngoài TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, vắc-xin cần được ưu tiên cho các tỉnh, thành phố nhiều khu công nghiệp để lao động trong các nhà máy trở lại sản xuất an toàn.
Cách thức hỗ trợ để kéo người lao động trở lại nhà máy cũng được nhiều chuyên gia đề xuất. Đó là các địa phương cần hỗ trợ khẩn cấp người lao động khi quay về địa phương, cần có sự trao đổi giữa địa phương với doanh nghiệp để tiêm vắc-xin cho đội ngũ lao động này, hỗ trợ phương tiện tàu xe trở lại thành phố, tạo điều kiện về chỗ ở an toàn cho họ.
Với doanh nghiệp đã trong cảnh cạn kiệt tài chính, bà Mai đề xuất, cần miễn giảm thuế thu nhập năm 2021, hỗ trợ lãi vay để doanh nghiệp có dòng tiền cho sản xuất trên tinh thần loại thuế, phí nào giảm được, miễn được thì phải thực hiện ngay.