Đường vào cảng ngày càng tắc
“Số tiền thu phí hạ tầng cảng biển lên đến hàng ngàn tỷ đồng/năm, song đến nay, đường vào cảng chưa đầu tư gì. Tiền phí chúng tôi đã đóng, nhưng vẫn phải mất thêm nhiều chi phí do kẹt xe là bất hợp lý”, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh bức xúc khi hay tin TP.HCM thu được gần 2.700 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển trong 1 năm qua.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khi vận chuyển hàng hóa đến cảng Cát Lái cũng có chung bức xúc như ông Vinh và đã gửi nhiều kiến nghị đến chính quyền TP.HCM để sớm đầu tư mở rộng các tuyến đường vào cảng Cát Lái, nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay, rất nhiều hội viên của Hiệp hội bức xúc, vì hiện nay, các tuyến đường vào cảng đều kẹt xe trầm trọng. Tình hình kẹt xe tại các tuyến đường ra vào cảng khiến tỷ lệ quay vòng xe thấp, trong khi đơn hàng giảm, chi phí đầu tư xe tải, xe container tăng lên, khiến doanh nghiệp lao đao.
Ghi nhận thực tế cho thấy, kẹt xe nghiêm trọng nhất là đoạn đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định, là con đường chính dẫn vào cảng Cát Lái.
Trong đó, đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thuỷ tới cảng Cát Lái, xe container nối đuôi nhau nhích từng chút một. Do đây là con đường độc đạo dẫn vào cảng với chiều rộng chỉ 12 m, nên luôn xảy ra kẹt xe cả ngày lẫn đêm. “Có thời điểm kẹt xe kéo dài đến 4 km, chúng tôi phải ăn ngủ trên xe nhiều giờ mới có thể di chuyển vào cảng trả hàng”, lái xe Trần Văn Tám nói.
Tình trạng kẹt xe không chỉ xảy ra tại khu vực xung quanh cảng Cát Lái, mà còn xảy ra cả ở khu vực cảng ICD Trường Thọ (TP. Thủ Đức) khiến trục đường Xa lộ Hà Nội cũng kẹt xe như cơm bữa.
Cần đầu tư hạ tầng ngay
Trước đây, khi chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển, Sở GTVT TP.HCM cho biết, toàn bộ nguồn thu sẽ được dùng để đầu tư mở rộng các tuyến đường dẫn vào cảng. Cụ thể, tại khu vực cảng Cát Lái sẽ mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái) lên 8 làn xe; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu) lên 30 m; xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6 km, rộng 30 m; mở rộng đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Mỹ đến vòng xoay Mỹ Thủy; mở rộng đường Đồng Văn Cống.
Ngoài ra, phí hạ tầng cảng biển sẽ được dùng để mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận (quận 7) với đường Nguyễn Văn Linh. Đồng thời, đầu tư bổ sung các tuyến đường ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp...
Mặc dù TP.HCM đã lên kế hoạch mở rộng từ năm 2016, nhưng đến nay, tiến độ thực hiện rất ì ạch. Bên cạnh những dự án vẫn dậm chân tại chỗ, một số dự án đang thi công dở dang cũng “bết bát”. Điển hình là dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) dài 2,8 km, nhưng hơn 2 năm chưa xong.
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc chậm đầu tư các tuyến đường xung quanh cảng, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, đầu tư các đường vào cảng không phải muốn là làm được ngay, mà giải ngân theo tiến độ, sắp xếp chủ trương đầu tư, ưu tiên thế nào. Hiện nay, Thành phố mới thu được gần 3.000 tỷ đồng, mục tiêu trong 5 năm là thu được 15.000 tỷ đồng cũng chỉ mới đáp ứng được 14-16% so với tổng nhu cầu vốn để tập trung hoàn thiện các tuyến đường vào cảng biển. Theo Luật Đầu tư công, nếu lấy toàn bộ tiền thu phí cảng biển để đầu tư sẽ không đúng luật, mà phải khởi công theo tiến độ, thi công tới đâu, giải ngân tới đó…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quản cho rằng, số tiền thu phí cảng biển cần được đầu tư hạ tầng ngay. Nếu Thành phố chưa đủ tiền thì cần kêu gọi nhà đầu tư ứng vốn để làm nhanh, còn chờ đủ tiền từ việc thu phí cảng biển thì không biết đến bao giờ.
Đồng quan điểm, ông Lâm Đại Vinh bổ sung, khi phí hạ tầng thu được đến đâu thì đầu tư ngay đến đó để giải quyết tình trạng ùn tắc. Việc thu phí trước, nhưng đường chậm đầu tư đang khiến doanh nghiệp chịu thiệt vì tiền đã đóng nhưng không được hưởng tiện ích.