Trong tổng số 113 nhà máy điện đang hoạt động trên hệ thống mới có 61 nhà máy tham gia trực tiếp chào giá trên thị trường, chiếm khoảng 43% công suất lắp đặt của hệ thống.
Ông Lê Đồng Hải, chuyên gia thị trường điện (công tác tại Cục Điều tiết Điện lực) cho biết, có 6 nhóm nhà máy đang hoạt động trong hệ thống gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực (EVN), các tổng công ty phát điện (Genco) 1, 2, 3; Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (Điện lực Vinacomin), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) thuộc Tập đoàn Dầu khí và các nhà máy điện BOT.
“Hiện không có nhóm nhà máy nào nắm quá 20% công suất lắp đặt của hệ thống nhưng trên thị trường điện, riêng Genco 1 hay Genco 3 đã chiếm tới 26% thị phần”, ông Hải nói. Điều này cũng cho thấy, gánh nặng thị trường điện vẫn đang đặt trên các đơn vị thuộc EVN.
. |
Tại thời điểm tháng 7/2015, có 59 nhà máy trực tiếp chào giá trên thị trường điện với công suất lắp đặt là 14.796 MW, chiếm 41,46% tổng công suất toàn hệ thống. 50 nhà máy điện không trực tiếp chào giá trên thị trường có tổng công suất lắp đặt 20.738 MW, chiếm 58,36% tổng công suất toàn hệ thống. Trong số này có 26 nhà máy điện không được tham gia thị trường theo quy định (12 nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, 4 nhà máy điện BOT và 10 nhà máy điện gián tiếp).
Trước đó, khi thị trường điện cạnh tranh chính thức vận hành vào tháng 7/2012, có 31 nhà máy trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất là 9.204 MW, chiếm 39% hệ thống.
Nghĩa là trong 3 năm vận hành thị trường điện, tỷ trọng các nhà máy tham gia chào giá trực tiếp chỉ tăng thêm hơn 2% cho thấy tốc độ tham gia thị trường của các nhà máy điện còn chậm.
Việc hơn 50% công suất lắp đặt không tham gia thị trường và không tham gia xác định giá thị trường cũng được ông Hải xem là nguyên nhân khiến giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí biên của toàn hệ thống điện. “Cần quyết liệt hơn trong việc đưa các nhà máy mới tham gia thị trường cũng như nghiên cứu phương án tham gia thị trường của các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu và nhà máy điện BOT”, ông Hải nói.
Hiện các dự án điện BOT được cam kết mua điện với sản lượng và giá trong hợp đồng mua bán điện điện ký với EVN, thời gian là 20 năm. “Chính phủ Việt Nam phải cam kết lợi nhuận về đầu tư điện với các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 2 con số và nhà đầu tư BOT không ném tiền qua cửa sổ”, chuyên gia Cao Đạt Khoa đang công tác trong ngành điện nhận xét và cho biết thêm, tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải, các nhà máy điện do EVN đầu tư được lên kế hoạch xây dựng cùng với Dự án BOT Duyên Hải 2. Nhưng hiện các nhà máy điện do EVN đã đi vào vận hành còn Nhà máy BOT Duyên Hải 2 vẫn chưa khởi công xây dựng.
Tình trạng cũng tương tự tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khi Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 của EVN đã phát điện, còn Dự án BOT Vĩnh Tân 3 vẫn chưa xong thủ tục để được cấp phép đầu tư.
Ở góc độ khác, các chuyên gia cũng cho rằng, khi giá bán điện vẫn được Nhà nước quyết định như hiện nay, thị trường điện chưa có cạnh tranh đúng nghĩa.
“Cách đây 10 năm, Nhà máy Điện Hiệp Phước (TP.HCM) của nhà đầu tư nước ngoài được Chính phủ cho phép bán giá khoảng 9 UScents/kWh. Tuy nhiên 3 năm trước, Hiệp Phước tuyên bố phá sản và giao nhà máy cho EVN với giá 0 đồng. Lý do cũng bởi giá điện của Hiệp Phước cao hơn giá người mua muốn trả”, ông Khoa dẫn chứng.
Nhìn nhận về thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường điện tại Việt Nam hiện chưa có cạnh tranh công bằng giữa người bán và người mua. Bên mua điện vẫn độc quyền và chưa có động lực để hoạt động hiệu quả. “Điều chúng tôi quan tâm là thiết lập 1 thể chế mà ở đó thị trường cạnh tranh và đảm bảo các cách thức quản lý, có động lực cạnh tranh công bằng”, ông Cung nói.
Chia sẻ nhận định này, ông Khoa cho hay, cách đây 2 năm EVN đã muốn cổ phần hoá thêm các công ty điện lực tỉnh (nhà phân phối điện trực tiếp tới các hộ tiêu dùng), nhưng có khoảng 20% đơn vị điện lực tỉnh có vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nếu bán với giá 0 đồng thì sau đó hoạt động vẫn chỉ có lỗ. Ngay Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hoà sau 10 năm hoạt động theo mô hình cổ phần vẫn chỉ chia cổ tức 1%/năm.
“Khánh Hoà thất bại vì giá bán điện cuối cùng vẫn do Nhà nước quyết định, khiến nhà đầu tư không nhìn thấy động lực phát triển ở đây để tham gia”, ông Khoa nói và cho rằng, “các chuyên gia, nhà đầu tư nên mạnh dạn bỏ tiền mua cổ phần của các doanh nghiệp ngành điện đang cổ phần hoá, bởi khi nhiều nhà đầu tư tham gia, thế độc quyền của ngành điện cũng sẽ bị xoá bỏ”.