Trước thực tế thiều vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, những năm 90 của Thế kỷ trước, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có sáng kiến “đổi đất lấy hạ tầng”, sau này được gọi là đầu tư theo hình thức hợp đồng - chuyển giao (BT).
Nhà nước “thiệt đơn, thiệt kép”
Cách làm chỉ định nhà đầu tư thực hiện công trình, sau khi bàn giao công trình, chính quyền địa phương thanh toán cho nhà đầu tư bằng đất đai theo kiểu “hàng đổi hàng” của Bà Rịa-Vũng Tàu đã được nhiều địa phương khác náp dụng.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, khác với dự án BOT, người dân ở khu vực có dự án BT rất vui vẻ chấp nhận dự án BT vì tự nhiên lại được sử dụng công trình công cộng miễn phí, thậm chí không ít người còn cảm thấy biết ơn doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương cũng rất vui vì có được công trình công cộng phục vụ người dân, tạo điều kiện phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Và các công trình, dự án BT còn góp phần làm đẹp bộ mặt địa phương, “ghi dấu ấn nhiệm kỳ” của lãnh đạo địa phương .
“Diện tích đất chính quyền địa phương giao cho nhà đầu tư thường được định giá rất thấp, có khi chỉ tính bằng giá đất nông nghiệp vì chưa có công trình, dự án, chưa có đường giao thông thuận tiện, nhưng sau khi nhà đầu tư bàn giao công trình, dự án, đường giao thông cho chính quyền địa phương thì giá đất tăng hàng chục lần”, TS. Phạm Thanh Tú, chuyên gia của Oxfam bình luận.
“Dự án, công trình thực hiện theo hình thức BT hầu hết là chỉ định thầu, nhà đầu tư được toàn quyền thực hiện dự án, kiểm tra, giám sát lỏng lẻo nên giá công trình thường bị đội lên, như vậy Nhà nước bị thiệt hại lần thứ hai”, ông Tú nhấn mạnh.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán 21 dự án BT có tổng giá trị 30.425 tỷ đồng đã kiến nghị xử lý 3.815,4 tỷ đồng, tức là giá công trình, dự án bị đội lên gần 13%.
Dự án BT có giảm gánh nặng cho ngân sách?
Trong cuộc Hội thảo Cơ chế đầu tư BT những vấn đề đặt ra vừa được KTNN tổ chức sáng 19/10, bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp, KTNN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong các dự án BT.
Theo quy định hiện hành, dự án đầu tư mới từ nguồn ngân sách nhà nước đều phải là những dự án cần thiết, cấp bách trong khi dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước nhưng đều không phải là dự án cần thiết, cấp bách, cũng không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn và không được thông qua HĐND cấp tỉnh thông qua.
“Nhưng nhà đầu tư vẫn đề xuất, chính quyền địa phương vẫn phê duyệt dự án, thậm chí có địa phương còn phê duyệt dự án BT cho cả nhà đầu tư đã thực hiện dự án BT trước đó nhưng vẫn còn nợ tiền sử dụng đất”, bà Yến cho biết.
Theo quy định, chính quyền địa phương giao đất cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư bàn giao công trình, dự án. Nhưng kiểm toán tại 21 dự án BT do KTNN thực hiện cho thấy, trên thực tế, hầu hết dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình nên có đơn giá thấp hơn rất nhiều so với thời điểm nhà đầu tư bàn giao công trình dẫn đến việc “đổi đất lấy công trình” không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Ngoài ra, nhiều địa phương thanh toán trước cho nhà đầu tư (bao gồm giá trị công trình BT và thuế giá trị gia tăng) trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng do công trình chưa hoàn thành tạo ra việc chiếm dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện nhà đầu tư vi phạm, gian lận thuế, không kê khai thuế giá trị gia tăng do tiền thuế giá trị gia tăng được đối trừ trực tiếp vào giá trị đất”, bà Yến tiếp tục chỉ ra sai phạm.
Vẫn theo bà Yến, trong trường hợp dự án BT đã được thanh toán trước khi hoàn thành, nhà đầu tư không bị áp lực phải thực hiện dự án đúng theo tiến độ cam kết. Dự án kéo dài tiến độ khiến hiệu quả đầu tư bị giảm xuống. Nguyên nhân là do việc ký kết hợp đồng BT chưa phù hợp, không chặt chẽ, thiếu ràng buộc chế tài khi nhà đầu tư vi phạm về tiến độ, thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình.
Bà Yến cho rằng, theo quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư góp vào dự án BT không được thấp hơn 10% hoặc 15% tổng vốn đầu tư nên phần vốn còn lại là vốn của Nhà nước hoặc vốn vay huy động của nhà đầu tư. Phần vốn vay của nhà đầu tư được tính lãi với lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ và được tính vào chi phí xây dựng dự án.
“ Như vậy, gần như toàn bộ giá trị đầu tư xây dựng dự án BT (khoảng 85%) là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước“, bà Yến nhấn mạnh.
Không phải bây giờ các dự án BT mới bộ lộ hạn chế, yếu kém mà theo ông Hồ Đức Phớc, sau một thời gian đua nhau “đổi đất lấy công trình”, thị trường bất động sản qua cơn “sốt nóng”, hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bộ lộ rõ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án phải đắp chiếu, trùm mềm trong tình trạng xây dựng dở dang đã dẫn tới lãng phí nguồn lực của xã hội.
“Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. Nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu”, ông Phớc phát biểu.