Đầu tư
Dự án hạ tầng giao thông tạo đà cho các địa phương bứt phá
Việt Hương - 18/02/2022 11:11
Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định… đang hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối liên vùng - một trong những yếu tố góp phần đưa các địa phương phát triển bứt phá.
Các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối liên vùng là một trong những yếu tố góp phần đưa các địa phương phát triển bứt phá.

Trong năm 2022, Quảng Trị tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm, trong đó có đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây... Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Trị vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số ngày 8/1/2022 của Chính phủ, Kết luận số 175 của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Mục tiêu của Chương trình hành động là quán triệt chủ đề năm 2022 của tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là “Trách nhiệm, kỷ cương - Thích ứng an toàn - Thúc đẩy tăng trưởng”. “Một trong những mục tiêu quan trọng chính là tận dụng tốt mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hưng cho hay.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ..., Quảng Trị tập trung triển khai các dự án trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt quy hoạch.

Quảng Trị cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đạt 65- 66 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 24.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4.150 tỷ đồng, gồm thu nội địa 3.500 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 650 tỷ đồng...

Với Hà Tĩnh, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa là một trong những yếu tố góp phần đưa tỉnh này phát triển, dần trở thành một trong những cực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ.

Ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho hay, trong năm 2021, đã có nhiều công trình giao thông trọng điểm được thi công hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng tại địa phương như: cầu Thọ Tường bắc qua sông La, nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng đoạn Xuân Trường - Thạch Bằng, xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án Lramp)…

Ngành giao thông tỉnh Hà Tĩnh cũng đang gấp rút triển khai, nâng cấp 14 công trình, dự án như: Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng giai đoạn II 151 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.553 đoạn từ Km49+900 tới Km74+680 (đường Hồ Chí Minh vào Đồn Biên phòng Bản Giàng, huyện Hương Khê) 34 tỷ đồng; Dự án đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) hơn 88 tỷ đồng.

Năm 2022, Hà Tĩnh dự kiến đầu tư cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung đoạn từ đường Nguyễn Huy Lung đến cầu Hộ Độ và bổ sung một đơn nguyên cầu Hộ Độ, trị giá 157 tỷ đồng; xây dựng đường Hàm Nghi kéo dài, trị giá 386 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp ĐT.553 đoạn từ Lộc Yên đến đường Hồ Chí Minh, trị giá 266 tỷ đồng.

Tại Bình Định, dịp Tết Nguyên đán, đã về đích 2 tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi và đường vào Cảng hàng không Phù Cát với tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, các công trình này đều hoàn thành kịp tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, các đoạn còn lại của tuyến đường ven biển Bình Định, 3 tuyến đường kết nối phía Tây tỉnh với tuyến đường ven biển tiếp tục được gấp rút triển khai. “Cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, tôi tin tưởng, các dự án này hoàn thành sẽ tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương tăng tốc phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, từ nay đến năm 2025, Bình Định xây dựng hoàn thành Dự án tổng thể tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định dài gần 118 km (từ TP. Quy Nhơn đến phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn), tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Năm 2021, Bình Định là một trong những địa phương có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm về đích đúng tiến độ, giúp Bình Định “miễn nhiễm” với dịch Covid-19 để đón dòng vốn đầu tư đổ về. Cụ thể, Bình Định đã thu hút được 93 dự án đầu tư, với tổng vốn trên 104.340,19 tỷ đồng (giảm 40% về số dự án, tăng 102,22% về tổng vốn thu hút đầu tư so với năm 2020).

Tin liên quan
Tin khác