Có mặt tại Khu đô thị Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), với sự tò mò về tên tuổi của tỷ phú Vincent Tan - người sở hữu Tập đoàn Berjaya (Malaysia) nổi tiếng với hàng loạt bất động sản “khủng” tại Việt Nam như Khách sạn Sheraton Hanoi Hotel, InterContinental Hanoi Westlake (Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng Longbeach Resort (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và Khu nhà ở Biên Hòa City Square (tỉnh Đồng Nai)…, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những hình ảnh thực tế tại khu đô thị rộng gần 32 ha này.
Khu đô thị Thạch Bàn, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, được khởi công xây dựng từ năm 2009, đến nay, hạ tầng kỹ thuật đã căn bản hoàn thành. Dự án còn được gọi bằng một cái tên khác là Hà Nội Garden City để phân biệt với một dự án khác có tên gọi là Khu nhà ở Thạch Bàn do một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.
Chủ đầu tư Khu đô thị mới Thạch Bàn là Công ty TNHH Berjaya - Handico12 – liên doanh giữa Berjaya Leisure và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 12 Hà Nội. |
Đúng như tên gọi Hà Nội Garden City, Dự án được chủ đầu tư dành một diện tích đáng kể làm công viên, cây xanh, cảnh quan đẹp mắt. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế tại Dự án khiến khách hàng có cảm giác đây dường như không phải là mối quan tâm chính của chủ đầu tư này, khi công trình căn bản đã làm xong hạ tầng và xây dựng thành hình nhiều sản phẩm bất động sản như chung cư cao tầng và nhà ở thấp tầng, nhưng lại chưa được khai thác, kinh doanh một cách tương xứng. Khu nhà cao tầng đã xây xong, hoàn thiện mặt ngoài, nhưng số căn hộ được sử dụng chiếm một phần nhỏ. Khu nhà thấp tầng cũng đã xây thô, hoàn thiện mặt ngoài, nhưng hầu như để không.
So sánh Hà Nội Garden City với một dự án do một chủ đầu tư Malaysia khác tại Hà Nội là Gamuda City (quận Hoàng Mai) do Gamuda Land (thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad, Malaysia) làm chủ đầu tư, khách hàng có thể dễ dàng nhận thấy sự năng động vượt trội của Gamuda City so với dự án của tỷ phú Vincent Tan. Trong khi Gamuda Land biết tận dụng các “đợt sóng” của thị trường bất động sản vào các năm 2011 và 2015 để thực hiện thành công các chiến dịch mở bán và có các chương trình hậu mãi hợp lý để thu hút khách hàng, thì Hà Nội Garden City hầu như chưa có động thái nào.
Còn nếu so sánh với những dự án lân cận tại khu vực quận Long Biên của các chủ đầu tư Việt Nam như Vinhomes Riverside hay Ecopark, thì Hà Nội Garden City còn lép vế hơn nữa. Trong khi những dự án lân cận dù xây dựng sau, nhưng đã có những sinh hoạt khá tấp nập trong sự chăm chút công phu của các chủ đầu tư, thì Khu đô thị Thạch Bàn vẫn hết sức vắng vẻ. Những khu nhà liền kề xây thẳng hàng và những khu chung cư cao 11 tầng nằm biệt lập bên trong hàng rào bê tông tỏ ra đơn điệu và xa cách.
Câu chuyện của Hà Nội Garden City của Berjaya dễ khiến người ta liên tưởng đến trường hợp của một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam như Keangnam
Enterprises, Booyoung hay Inpyung (Hàn Quốc). Sở hữu nhiều khu đất đắc địa ở các vị trí khác nhau của Hà Nội, nhưng với chiến lược kinh doanh không linh hoạt, các nhà đầu tư này đã không đạt được thành công như mong đợi, dù lĩnh vực phát triển nhà ở vẫn được đánh giá là “siêu lợi nhuận” của thị trường bất động sản Việt Nam.