Thời sự
Dự án Luật thống kê (sửa đổi) đã chuẩn bị công phu
Quang Hưng - 25/05/2015 10:34
Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đầu giờ sáng nay (25/5/2015), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình Quốc hội dự án Luật thống kê (sửa đổi). Ngay sau đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đánh giá, dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật thống kê năm 2003.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Luật thống kê (sửa đổi) đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, đầy đủ trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật thống kê năm 2003 và rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán. Hồ sơ dự án Luật cơ bản tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, quy định nội dung hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, đồng thời quy định mục đích, nguyên tắc, yêu cầu, phạm vi của hoạt động thống kê ngoài nhà nước và giá trị của thông tin thống kê ngoài nhà nước. Phạm vi điều chỉnh bao gồm thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước cho thấy sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện của dự thảo Luật đối với hoạt động thống kê của toàn xã hội. Việc quy định thống kê ngoài nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp[1], đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Có ý kiến cho rằng thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội, do vậy đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh hoạt động thống kê nhà nước, còn hoạt động thống kê ngoài nhà nước nên được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành khác.

Về hệ thống thông tin thống kê nhà nước (Chương II), đa số ý kiến tán thành với quy định dự thảo Luật, hệ thống thông tin thống kê nhà nước gồm 4 cấp: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh và hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.

Về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 16 và Điều 17), đa số ý kiến tán thành với quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo danh mục trong Luật và phân công cơ quan có trách nhiệm thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quốc hội quyết định, đồng thời xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Về phụ lục danh mục chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, đa số ý kiến nhất trí quy định tất cả các chỉ tiêu cụ thể vào danh mục chỉ tiêu, phân cấp các cấp thống kê thực hiện. Có ý kiến đề nghị xem xét tính kết nối thống nhất trong quá trình phân cấp thực hiện nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu nhất là chỉ tiêu GDP cả nước và GDP địa phương, chỉ tiêu việc làm mới, chỉ tiêu giảm hộ nghèo giữa bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan thống kê trong thời gian vừa qua, phù hợp với phương pháp thống kê thế giới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.  

Về bảo mật thông tin thống kê nhà nước (Điều 60), đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về bảo mật thông tin thống kê nhà nước, tuy nhiên đề nghị xem xét quy định rõ việc bảo mật thông tin thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước[3] trong quá trình thực hiện hoạt động thống kê. 

Về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (Điều 19); thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực (Điều 25); thẩm định phương án điều tra thống kê (Điều 31); thẩm định chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành (Điều 49), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật quy định việc cơ quan thống kê trung ương có trách nhiệm thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành; thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; thẩm định phương án điều tra thống kê; thẩm định chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp cấp bộ, ngành trước khi ban hành nhằm để khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê trung ương và bộ, ngành. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê của bộ, ngành khi công bố trong trường hợp bộ, ngành giải trình với cơ quan thống kê trung ương bằng văn bản về việc không tiếp thu ý kiến thẩm định.

Dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) bao gồm 09 Chương, 74 Điều (tăng 1 chương, 32 điều so với Luật thống kê năm 2003). Quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước (Điều 1); quy định danh mục chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (khoản 4 Điều 16); Bổ sung quy định về: hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10), quy định về xử lý vi phạm (Điều 11), phân loại thống kê quốc gia (Điều 23), tổng điều tra thống kê quốc gia (Điều 28), quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của điều tra viên thống kê (điểm a khoản 2 Điều 33), về dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (Điều 36, 37, 38, 39, 42 và Điều 43), chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (Điều 45), quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê, quyền được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính (khoản 1 Điều 47), tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thống kê trung ương trong lĩnh vực thống kê nhà nước (Điều 35, Điều 62), các mức độ của số liệu thống kê được công bố (khoản 2 Điều 54), về sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố (Điều 59, 61 và Điều 62)…
Tin liên quan
Tin khác