Sau nhiều ngày chờ đợi, Báo Đầu tư đã nhận được phản hồi chính thức của Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương qua Văn bản số 465/QLDA-KT1 do ông Nguyễn Vĩnh Toàn, Phó giám đốc BQLDA ký ngày 19/8/2016. Trong văn bản này, chủ đầu tư thông tin về Dự án ĐT744 với 3 nội dung chính: tình hình 2 dự án thành phần và vấn đề bù giá.
Thứ nhất, Dự án thành phần đoạn từ cầu Ông Cộ (Km6+070) đến Km12+000 được khởi công từ tháng 12/2009, đến tháng 2/2012 đã cơ bản hoàn thành, tạm ngừng thi công và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Nhà thầu Đại Việt tập kết vật liệu từ năm 2012, nhưng không thể thi công vì vướng mặt bằng. Ảnh: N.T |
Tới tháng 6/2013, BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương nhận bàn giao làm chủ đầu tư. Sau khi tiếp nhận chủ đầu tư dự án có bàn giao một số mặt bằng bổ sung. Sau đó, chủ đầu tư cũng đề nghị nhà thầu Đại Việt thi công hoàn thiện khối lượng dang dở do lỗi chủ quan của nhà thầu để làm thủ tục kết thúc Dự án, nhưng nhà thầu không thực hiện. Từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014, nhà thầu nhiều lần đề nghị nghiệm thu hết hạn bảo hành công trình. Tuy nhiên, do BQLDA ngành giao thông - vận tải (trước đây) chưa nghiệm thu, nên BQLDA đầu tư xây dựng không có cơ sở nghiệm thu hết bảo hành.
Tháng 4/2014, chủ đầu tư tiếp tục đề nghị nhà thầu phối hợp rà soát hồ sơ chốt lại khối lượng chưa thi công và khối lượng vướng mặt bằng do khách quan buộc phải cắt giảm để hoàn tất công trình.
Tháng 8/2014, chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu thi công khối lượng dở dang, rà soát đủ hồ sơ để hoàn công, làm cơ sở thực hiện các bước nghiệm thu tổng thể, bàn giao, thanh quyết toán. Tuy nhiên, nhà thầu không thực hiện theo các đề nghị. Mãi tới tháng 4/2015, nhà thầu đề nghị chủ đầu tư xác nhận khối lượng và ký phụ lục hợp đồng gia hạn. Chủ đầu tư đề nghị nhà thầu phối hợp để bổ sung phụ lục nói trên, song tới tháng 7/2016, hai bên mới đi đến thống nhất và ký phụ lục hợp đồng để thanh toán khối lượng tồn đọng.
Chủ đầu tư cho rằng, về trách nhiệm quản lý dự án, đơn vị này đã tích cực đôn đốc nhà thầu và thực hiện nhiều biện pháp để kết thúc dự án.
Thứ hai, Dự án thành phần đoạn từ Km12+000 đến Km32+000 gồm 5 gói thầu, trong đó 3 gói khởi công vào quý IV/2010 và 2 gói khởi công vào tháng 2/2012. Do khó khăn giải phóng mặt bằng, nên các gói thầu số 4 và số 5 chưa thi công tới khi BQLDA đầu tư xây dựng nhận bàn giao từ BQLDA ngành giao thông - vận tải. Sau khi nhận bàn giao BQLDA đầu tư xây dựng vừa triển khai thi công, vừa đôn đốc giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thi công đã nảy sinh nhiều khó khăn, như điều chỉnh thiết kế thay đổi quy mô mặt cắt ngang, chiều cao nền đường… đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài, nên ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Tới nay, một số vị trí chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, nhưng về cơ bản, công trình đã hoàn tất các hạng mục chính (tổng khối lượng trên 95%) và đã đưa vào khai thác.
Theo BQLDA đầu tư xây dựng, để giải quyết khó khăn của dự án thành phần này, chủ đầu tư đã chốt khối lượng hoàn công, yêu cầu nhà thầu hoàn tất khối lượng dang dở trong phạm vi mặt bằng đã được bàn giao để nghiệm thu, thanh quyết toán để bàn giao công trình.
Thứ ba, về vấn đề bù giá, chủ đầu tư cho rằng, việc kéo dài thời gian thi công có nguyên nhân khách quan. Chủ đầu tư ghi nhận vấn đề này và sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá hợp đồng cho nhà thầu theo quy định của Nhà nước. Cũng theo chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất là quan điểm của nhà thầu và chủ đầu tư có “độ vênh” lớn về cách thức điều chỉnh giá làm cho việc bù giá.
Cụ thể, nhà thầu cho rằng, tiến độ thi công kéo dài do khách quan, nên giá vật tư có biến động lớn, cần phải điều chỉnh giá hợp đồng cho nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, nhân công, xe máy đối với tất cả khối lượng ngoài thời gian thực hiện hợp đồng. Nhà thầu áp dụng hình thức lập dự toán mới tại thời điểm thi công sau đó trừ tỷ lệ giảm thầu.
Tuy nhiên, BQLDA đầu tư xây dựng lại cho rằng, căn cứ các quy định của pháp luật về chính sách tiền lương, các văn bản điều chỉnh giá nhân công, xe máy của tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư chỉ thực hiện bù giá nhân công, xe máy cho nhà thầu. Khối lượng thuộc diện bù giá là khối lượng chậm thi công do nguyên nhân khách quan, không do lỗi của nhà thầu.
Riêng việc điều chỉnh giá nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu sau thời điểm Thông tư 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 hết hiệu lực, đến nay, Chính phủ chưa có chính sách mới tương tự về bù giá nguyên, nhiên, vật liệu. Đồng thời, với những trường hợp có biến động lớn về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Do đó, chủ đầu tư chưa có cơ sở và thẩm quyền giải quyết việc bù giá nguyên, nhiên, vật liệu.
Mãi tới ngày 18/8/2016, chủ đầu tư dự án mới có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương xin ý kiến hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng.
Lộ diện nhiều bất cập
Đại diện nhà thầu Đại Việt cho biết, diễn giải của chủ đầu tư lộ diện nhiều bất cập, nhiều dấu hỏi chưa có lời đáp hợp lý.
“Về Dự án thành phần đoạn từ Km6+070 đến Km12+000, chủ đầu tư xác nhận công trình hoàn thành từ năm 2012 với khối lượng đạt trên 86%. Tới nay đã hơn 4 năm, nhưng chủ đầu tư không nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Vậy trách nhiệm của chủ đầu tư ở đâu? Chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà thầu chi trả suốt thời gian đó sẽ lấy từ nguồn nào trong chi phí hợp đồng?”, vị đại diện nhà thầu nói và phản bác quan điểm của chủ đầu tư về vấn đề bù giá từ năm 2009 đến nay.
Nhà thầu Đại Việt cho rằng, việc bù giá theo quan điểm mình là đúng, bởi không thể nói thời gian gia hạn hợp đồng là ngoài thời gian của hợp đồng. Mặt khác, cơ sở để bù giá không thể áp dụng Thông tư 09/2008/TT-BXD, mà phải áp dụng Thông tư 08/2010/TT-BXD. Đặc biệt, việc này không phải chủ đầu tư không biết, vậy vì sao một thời gian dài, chủ đầu tư không làm tờ trình xin ý kiến của cấp có thẩm quyền? Sự việc từ tháng 7/2013 mà đến tận ngày 18/8/2016, chủ đầu tư mới có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh Bình Dương. Việc “cò cưa” kéo dài với nhà thầu khi không thống nhất quan điểm bù giá có chủ ý gì? Chỉ có thể lý giải chủ đầu tư cố tình làm khó dễ nhà thầu.
Mặt khác, hợp đồng và phụ lục hợp đồng thi công đã hết hiệu lực từ năm 2012, trong khi chủ đầu tư và nhà thầu chưa ký phụ lục gia hạn. Do vậy, nhà thầu Đại Việt không có cơ sở pháp lý nào để tái thi công các khối lượng trên mặt bằng chủ đầu tư mới bàn giao năm 2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, việc bù giá không phải là chuyện hiếm gặp, nên nhà thầu Đại Việt có cơ sở để cho rằng, chủ đầu tư đang thoái thác nghĩa vụ bù giá.
Có thể kể ra dự án tiêu biểu là công trình đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Thủ Dầu Một). Dự án này hoàn thành thi công phần được bàn giao năm 2012 với khối lượng 5,7 km trên tổng 5,9 km. Dự án cũng bị đình trệ vì mặt bằng và tái thi công năm 2013 khi mặt bằng phần còn lại được bàn giao. Theo đó, phần khối lượng đã hoàn thành trước năm 2012 đã được tính bù giá vật tư, nhân công, xe máy, nhiên liệu; phần khối lượng bàn giao mặt bằng năm 2013 đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh giá hợp đồng theo Văn bản số 1688/UBND-KTTH do ông Trần Văn Nam, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 1/6/2015.
Điều đặc biệt là, đường Nguyễn Chí Thanh cũng do BQLDA đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư, Đại Việt cũng là nhà thầu và công trình này cũng là một dự án thành phần của Dự án ĐT744. Vậy quan điểm của chủ đầu tư về bù giá là không có hướng dẫn hay căn cứ để bù giá hay là cố tình làm khó nhà thầu và áp dụng “tiêu chuẩn kép” (!?).
Một sự trùng hợp rất lạ là, các nội dung điều chỉnh hợp đồng Dự án thành phần đoạn từ Km12+000 đến Km32+000 cũng tương đồng như Dự án thành phần đoạn từ Km6+070 đến Km12+000. Ngoài ra, việc chủ đầu tư phân định trách nhiệm giữa BQLDA ngành giao thông vận tải trước đây và BQLDA đầu tư xây dựng (đơn vị kế thừa) có yếu tố né tránh trách nhiệm? Việc chuyển giao nhiệm vụ giữa 2 ban trên đã bao hàm việc kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ.
Cần nhắc lại rằng, theo điểm c, khoản 2, Điều 38, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về hợp đồng xây dựng thì việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng ảnh hướng đến tiến độ thực hiện không do lỗi của bên nhận thầu gây ra thì được phép điều chỉnh tiến độ hợp đồng. Tại điểm c, khoản 1, Điều 27 của nghị định này cũng quy định, bên nhận thầu thi công xây dựng được quyền yêu cầu bên giao thầu bồi thường thiệt hại khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng thi công.
Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Đại Việt là hợp đồng theo đơn giá cố định, nhưng bị kéo dài tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì các bên thương thảo, đàm phán điều chỉnh đơn giá đối với khối lượng công việc thực hiện trong khoảng thời gian tiến độ bị kéo dài theo nguyên tắc công bằng về quyền lợi giữa các bên. Nội dung này cũng được quy định trong Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, trong tuần này sẽ diễn ra cuộc họp của các sở liên quan với chủ đầu tư và nhà thầu Đại Việt để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong Dự án ĐT744.