Trước đó, ngày 27/1/2022, Bộ Công thương đã có Báo cáo về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.
Đây cũng là nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao khi các quyết định liên quan tới giá bán điện của các dự án điện gió đã kết thúc vào ngày 31/10/2021 và với điện mặt trời kết thúc vào ngày 31/12/2020.
Theo Bộ Công thương, hiện nay, có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trong quy hoạch phát triển điện lực đã có nhà đầu tư, đã và đang triển khai đầu tư nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên các dự án này không kịp hưởng mốc thời gian được áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) được quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hay Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Do vậy, cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành.
Bộ Công thương cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, nhưng chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022 để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với các dự án đã được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ ban hành.
Bộ Công thương cũng đã đề nghị Chính phủ giao xây dựng và ban hành thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án nhà máy điệnmặt trời, điện gió nêu trên.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, với quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay, nhanh nhất thì tới tháng 4 mới hoàn tất các công việc chuẩn bị liên quan để khung giá phát điện cho loại hình điện gió và điện mặt trời trước khi được chính thức ban hành.
Theo thống kê của Bộ Công thương, công suất các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch hiện là 11.921 MW. Trong số này, có 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất là 8.171,475 MW.
Các dự án và phần dự án đã đi vào vận hành thương mại (COD) trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021 là 84 dự án, với tổng công suất 3.980,265 MW. Trong số này có 15 dự án đã COD được một phần công suất là 325,15 MW và tổng công suất chưa COD là 1.031,1 MW.
Đối với các dự án điện mặt trời, tình hình cũng không có gì đặc biệt khi tới hết ngày 31/12/2020 có 148 dự án đã được công nhận COD với tổng công suất là 8.652,9 MW. Con số này còn kém xa tổng số công suất điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là 15.400 MW.
Đến hết ngày 31/10/2021, chỉ có 69 dự án điện gió với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận COD. So với con số 106 dự án có tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thì còn khoảng 2.300 MW đã lỡ hẹn.
Tuy vậy nếu xét tới các dự án đã triển khai đầu tư thực sự thì ước tính có khoảng 1.000 MW điện gió đã hoàn tất đầu tư nhưng không kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.