Y tế - Sức khỏe
Dự báo tình hình dịch Covid-19 trước thềm năm mới 2022
D.Ngân - 16/12/2021 12:57
Từ thời điểm hiện nay đến cuối tháng 3/2022, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra tại TP.HCM.

Còn nhiều lo lắng

Một năm trước, trước thềm năm mới các nước châu Âu phải tăng cường phòng dịch, hạn chế đi lại và siết chặt quy định nhập cảnh. Thậm chí ở nhiều nơi, hầu hết các nghi lễ nhà thờ đã chuyển sang hình thức trực tuyến hay các nhà thờ phải thông báo hủy bỏ thánh lễ dịp Giáng sinh.

Từ thời điểm hiện nay đến cuối tháng 3/2022, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra tại TP.HCM. 

Ở châu Phi, tờ Daily Nation của Kê-ni-a đã chơi chữ khi gọi lễ Giáng sinh là "Christmask", ám chỉ đến quy định rằng mọi người dân cần phải đeo khẩu trang để phòng dịch.

Trong nước, trước thềm năm mới 2020, dịch cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, năm nay, dịch trở nên phức tạp với số ca mắc tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố.

Thực tế nêu trên yêu cầu công tác chống dịch phải nhấn vào các nội dung chính như vắc-xin, điều phối hệ thống điều trị, ý thức người dân. 

Một trong những nội dung báo cáo Dự đoán diễn tiến dịch Covid-19 tại TP.HCM do Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney, Úc phối hợp với nhóm Mô hình hoá Dịch tễ (Đại học Monash) vừa thực hiện đã đưa ra dự đoán, từ thời điểm hiện nay đến cuối tháng 3/2022, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra tại TP.HCM. 

TS.Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam cho rằng, độ lớn của làn sóng dịch này phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực thi biện pháp phòng chống dịch của TP.HCM. 

Từ các kịch bản chính sách trong báo cáo này dự báo từ 1/12/2021 đến 30/6/2022, số ca nhiễm SARS-CoV -2 ghi nhận được sẽ dao động từ 700.000 - 1.200.000.

Số ca tử vong do Covid-19 dao động từ khoảng 11.500 - 26.000; số giường hồi sức cấp cứu (bao gồm các giường ECMO, thở máy xâm lấn và không xâm lấn) cần phải chuẩn bị ít nhất là 1700 giường.

Hiện vẫn chưa đủ bằng chứng khoa học về độc lực và hiệu quả của vắc-xin hiện có với biến thể Omicron nên các ước tính trên chỉ dựa vào giả định tạm thời. 

Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, hệ thống y tế của TP. HCM sẽ chịu áp lực rất lớn, cùng với đó là số ca tử vong sẽ tăng gấp 1,5 đến 2 lần. Vậy nên biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu và khả thi nhất là tiêm chủng bổ sung mũi 3 sau 6 tháng.

Đặc biệt, đối với nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền, người tiêm các loại vắc-xin có hiệu quả chưa cao. Có thể xem xét tiêm mũi 3 sau 3 tháng nếu nguồn vắc-xin cho phép.

Với biến thể Omicron, nhóm nghiên cứu giả định tỷ suất tiếp xúc (thể hiện cho khả năng lây truyền) cao hơn gấp 5 lần, trong khi tỷ lệ tử vong là tương đương với biến thể virus tại Vũ Hán. 

Có thể biến thể này, với số lượng đột biến cao bất thường sẽ có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch của cơ thể. 

Đã có những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của hai liều vắc-xin Pfizer hay AstraZeneca thấp hơn đáng kể với biến thể này, và nếu điều này thực sự xảy ra, tình hình sẽ xấu hơn.  

Do đó, cần tăng cường hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong phòng kín, và di chuyển không cần thiết, đặc biệt là trong dịp Giáng sinh và năm mới. Và quan trọng nhất là chính quyền và ngành Y tế phải điều phối mềm dẻo, nhịp nhàng, tuyệt đối tránh rối loạn.

Dự đoán về xu thế dịch năm 2022, một số chuyên gia khác cũng đưa ra nhận định, đại dịch sẽ không kết thúc sớm, nhưng sẽ lây lan với tỷ lệ thấp hơn và ít gây tử vong.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp - do không đủ vắc-xin hoặc do từ chối tiêm - vẫn sẽ chịu tác động đáng kể từ Covid-19 và khiến đại dịch kéo dài hơn, ảnh hưởng đến các nước khác.

Nhiều ý kiến khác cũng thống nhất cho hay, dịch Covid-19 vẫnsẽ kéo dài thêm ít nhất vài năm nữa. Năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển đổi giữa các tâm dịch trên thế giới. Biến chủng Omicron được dự đoán là chiếm ưu thế, theo sau đó là các biến chủng mới tiềm năng khác.

Ngoài ra, những tiến bộ trong phương pháp điều trị, đặc biệt là thuốc kháng virus và kháng thể đơn dòng là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến với đại dịch.

Nói về xu hướng dịch năm 2020, TS. Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vừa trả lời các câu hỏi từ công chúng về Covid-19 và biến thể Omicron. 

Theo đó, TS. Kerkhove dự báo, 2022 có thể là năm kết thúc đại dịch Covid-19. Chúng ta đã có các biện pháp. Chúng ta có thể khiến Covid-19 không gây chết chóc nữa. 

Bà Kerkhove nhận định, biến thể Omicron đang lây lan nhanh và có lợi thế so với biến thể Delta ở một số quốc gia. Nhưng vị chuyên gia nhấn mạnh, đây mới là những ngày đầu.

Tới nay, đã có 77 quốc gia xuất hiện các trường hợp nhiễm Omicron. Khả năng biến thể này đã có ở hầu hết các quốc gia, chỉ là chưa được phát hiện.

Ứng phó ra sao?

Không chỉ tại TP.HCM và một số tỉnh miền Nam, những ngày gần đây, số ca dương tính trên địa bàn TP.Hà Nội tăng liên tiếp, kỷ lục mới nhất là 1.357 ca ghi nhận vào ngày 16/12. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Sở Y tế Hà Nội số ca mắc này vẫn đang nằm trong kịch bản có số ca mắc  từ 2.000 - 3.000 ca. 

Theo đó, thay vì 4 cơ sở điều trị như giai đoạn trước, hiện nay Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh; 

Hà Nội cũng thi công xong hệ thống ô-xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô-xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà. 

Dù người đứng đầu Thủ đô liên tiếp khẳng định Hà Nội vẫn đang chủ động và ứng phó kịp thời song theo phản ánh của người dân, hiện nhiều người đã xét nghiệm test nhanh và PCR cho kết quả dương tính nhưng nhiều ngày không được được phát thuốc, không được hướng dẫn điều trị tại nhà, cũng không được đưa đến cơ sở y tế. 

Các chuyên gia cho rằng, dường như Hà Nội đang có sự nhầm lẫn giữa trạm y tế lưu động và bệnh viện dã chiến. Khi đề cập đến trạm y tế lưu động, Hà Nội thường đưa ra số bệnh nhân được tiếp nhận, quy mô giường điều trị F0. 

Trong khi đó, theo Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 của Bộ Y tế thì trạm y tế lưu động có chức năng quản lý và theo dõi điều trị F0 tại nhà và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để kết nối, chuyển tuyến kịp thời; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. 

Như vậy, trạm y tế lưu động tức là có 1 nhóm cán bộ y tế di chuyển tới nhà các F0 để hỗ trợ y tế, chứ không phải là thành lập 1 cơ sở cố định để lưu giữ F0 như cách mà Hà Nội đang làm hiện nay. 

Về phía Bộ Y tế, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Y tế đã giao nhiều bệnh viện thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu (ICU) như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU quy mô 500 giường;

Miền Bắc có Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; Phổi Trung ương 200 giường.

Số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh, số ca tử vong cũng chưa được kéo giảm và nhân lực y tế đang chịu rất nhiều áp lực, do đó người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt là thời điểm lễ Noel và Tết dương lịch đang đến gần.

Tin liên quan
Tin khác