Doanh nghiệp
Dư cung lớn, doanh nghiệp vẫn rót tiền vào xi măng
Thế Hoàng - 24/09/2018 10:12
Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương đang đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận dự án xi măng, công suất 4 triệu tấn, quy mô vốn khoảng 4.200 tỷ đồng.

Xi măng vẫn hút nhà đầu tư

Câu chuyện dư cung vài chục triệu tấn của ngành xi măng dường như không phải là mối bận tâm đối với một số doanh nghiệp, khi mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương lại muốn xây dựng một nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Công ty Đại Dương đã chính thức có đề nghị được đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xi măng Đại Dương tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia.

.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn với tổng công suất 12.000 tấn clinker/ngày, tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm. Dự kiến vùng nguyên liệu là 2 mỏ đá vôi ở xã Tân Trường (Tĩnh Gia) và Thanh Kỳ (Như Thanh). 

Nếu được chấp thuận, trong giai đoạn I, chủ đầu tư sẽ đầu tư 1 dây chuyền với công suất lò quay 6.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm, dự kiến thời gian triển khai vào năm 2019. Giai đoạn II sẽ được thực hiện sau năm 2021.

Việc thu hút thêm 1 dự án đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng nếu được triển khai đúng kế hoạch, sẽ giúp Thanh Hóa có thêm nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động, nhưng không vì vậy mà dự án ngàn tỷ này dễ dàng được chấp thuận.

Để có câu trả lời cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Đại Dương. 

Các ý kiến cho rằng, cần xem xét thấu đáo, chưa nên đồng ý với đề xuất đầu tư dự án này. Điều quan trọng nhất là trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 không có tên nhà máy xi măng này.

Chưa kể, phần đông ý kiến của đại diện địa phương cũng nêu thẳng câu chuyện công suất sản xuất xi măng cả nước đang dư thừa so với nhu cầu nên càng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhìn rộng ra, Thanh Hóa cũng gần giống Hạ Long, có nguồn thu đáng kể từ du lịch, các dự án xi măng dù qua quan trắc, thông số vẫn trong mức cho phép, nhưng đều gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương luôn chào đón các nhà đầu tư vào địa bàn. Dù vậy, để bảo đảm các quy định và phát triển bền vững, cần có nghiên cứu kỹ. 

“Việc xem xét kỹ chính là cách hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư trên cơ sở tính toán thấu đáo mọi vấn đề để tránh rủi ro hay những vướng mắc cho doanh nghiệp sau này”, ông Xứng nói.

Xi măng bán đi đâu?

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), hiện tổng công suất ngành xi măng đã lên tới 100 triệu tấn/năm, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa chỉ khoảng 60%. 

Thực tế, năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng có thể đạt tới 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia (tỷ lệ hiện nay các nhà máy đang thực hiện). 

Sản lượng xi măng rõ ràng đang dư thừa rất lớn và phải phụ thuộc vào xuất khẩu với giá bán rẻ hơn nội địa, thậm chí lo không bán được hàng, không ít nhà sản xuất không dám chạy hết công suất thiết kế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Còn tỉnh Thanh Hóa, chưa cần chờ đến lời đề nghị của Công ty Đại Dương với dự án xi măng 4 triệu tấn, Thanh Hóa đã là địa phương có nhiều nhà máy xi măng, với quy mô công suất khoảng 20 triệu tấn.

Công suất toàn ngành xi măng hiện gồm 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia. Năng lực thực tế có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia.
Nguồn: Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Cụ thể, 2 dây chuyền xi măng của Công ty cổ phần Tập đoàn Công Thanh đã có công suất 6 triệu tấn; Công ty cổ phần Xi măng Long Sơn với 2 dây chuyền cũng lên tới gần 5 triệu tấn; Xi măng Vicem Bỉm Sơn với 2 dây chuyền có công suất 3,8 triệu tấn; Công ty Xi măng Nghi Sơn sở hữu 2 dây chuyền, công suất 4,3 triệu tấn…

Bội thực nguồn cung xi măng đã diễn ra liên tục 5-6 năm nay, ngay cả các nhà sản xuất lâu năm tại Thanh Hóa như Vicem Bỉm Sơn, Nghi Sơn… cũng trầy trật tìm đường tiêu thụ xi măng, không hiểu với “lính mới” như Công ty Đại Dương, nếu làm xi măng thì bán đi đâu?

Sở hữu 2 dây chuyền với công suất 6 triệu tấn, năm 2017, Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh dù đạt doanh thu 3.381 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn âm 1.019 tỷ đồng.

Bản thân nhà sản xuất này phải thừa nhận, tuy đạt được mức tăng trưởng doanh thu hơn 51%, nhưng Công ty phải trả chi phí bán hàng rất cao, dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Cũng do kinh doanh lỗ nên Công ty không thể trả cổ tức năm 2017 cho các cổ đông.

Điểm qua vài nét về cung - cầu toàn ngành xi măng để thấy, đầu tư sản xuất xi măng đã không “ngon ăn” như trước.

Trong khi đó, cách Thanh Hóa không xa, tỉnh Hà Nam cũng bội thực nguồn cung xi măng, với công suất thiết kế xấp xỉ 20 triệu tấn.

Tin liên quan
Tin khác