Thời sự
Dư địa cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn
Kỳ Thành - 17/03/2021 13:37
Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2020 sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách.

Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2020 (APCI 2020).

Họp báo công bố Báo cáo APCI 2020 (Ảnh: Nhật Bắc)

Dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Với quan điểm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động” và cách tiếp cận “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển”, Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy hiệu quả cải cách được Chính phủ giao Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết 02 đó là thực hiện khảo sát, nghiên cứu và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI).

Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 với nhiều khó khăn do tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu chính là phép thử khó khăn nhất của bộ máy Trung ương và địa phương khi Việt Nam đặt ra mục tiêu “kép” vừa phải khống chế dịch bệnh vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc.

Theo ông Mai Tiến Dũng, APCI 2020 cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả của APCI có sự gắn kết và bổ trợ rất cụ thể, sâu sắc cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín về Việt Nam, giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách, ông Dũng nói.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) nhận định, trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, APCI 2020  mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phương châm hành động là kiến tạo, liêm khiết, hành động, phục vụ vì người dân, vì doanh nghiệp. Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, chúng ta đã làm được khối lượng công việc lớn. 

Những nỗ lực cải cách đã góp phần giúp Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế. Theo ông Trương Gia Bình, nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo dõi sự tiến bộ về thực thi công tác hành chính của nhà nước là để giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong các thủ tục họ cần phải làm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, kết quả của APCI sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách

4 bài học lớn, 5 khuyến nghị cải cách

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp nối mạch đánh giá này, APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: (i) Đầu tư; (ii) Giao dịch thương mại qua biên giới; (iii) Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; (iv) Môi trường; (v) Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (vi) Đất đai; (vii) Xây dựng; (viii) Thuế và (ix) Kiểm tra chuyên ngành.

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, thuế và kiểm tra chuyên ngành là nhóm có điểm số cải thiện tốt. Trong khi đó, đất đai, đầu tư, xây dựng, giao dịch thương mại qua biên giới là nhóm có điểm APCI 2020 tốt so với các nhóm khác, nhưng lại giảm điểm so với chính mình khi so sánh với năm trước.

So sánh các chi phí thành phần APCI, môi trường là nhóm có chi phí thời gian trung bình tăng gấp đôi so với năm trước; điều kiện kinh doanh có chi phí trực tiếp trung bình tăng gấp 2,8 lần.

Về chi phí tuân thủ, thuế tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao và mức chi phí tuân thủ thấp. Trong khi đó, môi trường là nhóm có chi phí tuân thủ cao nhất.

Từ kết quả APCI 2020, nhóm nghiên cứu rút ra 4 bài học lớn. Thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.

Thứ tư, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Đưa ra khuyến nghị cải cách từ APCI 2020, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành của Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp là: (1) Đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Đổi mới phương thức công bố, công khai thủ tục hành chính; (4) Nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công; và (5) Nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.

Tin liên quan
Tin khác