Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm dự kiến được ban hành trong quý II/2021, sẽ tạo bước đột phá trong kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan |
Thưa ông, hoạt động kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra chuyên ngành) đối với hàng nhập khẩu có những đổi mới gì về cơ chế, phương thức, thủ tục khi Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm được ban hành?
Hiện tại, để được thông quan hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp phải thực hiện 10 thủ tục tại nhiều cơ quan.
Với quy trình mới, không chỉ cắt giảm được 3 thủ tục, mà doanh nghiệp chỉ cần đến một cửa để thực hiện, đó là cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký tờ khai hải quan kèm hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng; xử lý hồ sơ; gửi yêu cầu tới tổ chức chứng nhận/giám định để thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định và thông báo kết quả cho cơ quan hải quan kiểm tra. Sau đó, cơ quan hải quan sẽ thực hiện thông quan nếu hàng hóa nhập khẩu đạt yêu cầu về chất lượng.
Kiểm tra an toàn thực phẩm hàng nhập khẩu cũng tương tự. Hiện tại, doanh nghiệp phải thực hiện 5 thủ tục với nhiều cơ quan, nhưng với cơ chế mới, chỉ còn 3 thủ tục và chỉ thực hiện tại một đầu mối là cơ quan hải quan.
Tất cả các thủ tục sẽ được điện tử hóa, giảm thiểu việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với công chức hải quan, nên không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của doanh nghiệp, mà còn hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa.
Còn những cải cách nào được coi là đột phá nữa, thưa ông?
Ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu với 7 nội dung cải cách tạo bước đột phá trong kiểm tra chuyên ngành.
Đó là: giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm); đơn giản hóa thủ tục kiểm tra; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra…
Nghị định quy định về kiểm tra chuyên ngành là văn bản cụ thể hóa đề án này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Đơn cử như việc tự động chuyển đổi phương thức kiểm tra, nếu hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm), thì sẽ được chuyển sang kiểm tra thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ); hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng). Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được thực hiện tự động qua hệ thống công nghệ thông tin, doanh nghiệp không phải gửi văn bản đến bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
Đồng thời, áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để tránh trường hợp cùng một loại hàng hóa do một doanh nghiệp sản xuất ra, nhưng nhà nhập khẩu nào cũng bị lấy mẫu kiểm tra. Quy định này sẽ cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng.
Bên cạnh đó, quy định mới còn bổ sung 19 nhóm đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó có sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu là hàng đơn lẻ để bảo hành, thay thế; bộ phận của dây chuyền thiết bị đồng bộ; hàng hóa nhập khẩu từ nhà sản xuất đã được cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam kiểm tra tại nguồn; hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao…
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc cắt giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu với mục tiêu đặt ra đến hết năm 2019 phải cắt giảm tối thiểu 50% số mặt hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ cắt giảm được 12.600/82.698 mặt hàng (khoảng 15%).
Chính vì vậy, việc bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra được coi là một trong 7 cải cách đột phá trong kiểm tra chuyên ngành. Quy định này sẽ chấm dứt được tình trạng, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đã được khẳng định trên toàn cầu, nhưng lô hàng hàng nào về Việt Nam cũng đều bị lấy mẫu kiểm định chất lượng...
Thưa ông, theo tính toán, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy trình mới sẽ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế?
Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã tính toán, khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy trình, thủ tục mới, thì tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành giảm khoảng 54,4%, tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 63% thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhờ đó, ngay trong năm đầu thực hiện, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 38 triệu USD, cả nền kinh tế tiết kiệm được 399 triệu USD. Số tiền tiết kiệm mỗi năm sẽ tăng lên nếu kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng.
Đây chỉ là những chi phí có thể tính toán được, còn con số tiết kiệm khó có thể lượng hóa được cũng rất lớn, nhờ giảm được thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi. Đặc biệt, việc rút ngắn thời gian thông quan sẽ tạo điều kiện sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, cung cấp ra thị trường, giúp doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, chớp được cơ hội để tăng khả năng cạnh tranh…