Những mảnh đất “thay da đổi thịt” nhờ Du lịch
“Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, tất cả đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy sự chuyển đổi ngoạn mục của nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam”. Đây là nhận xét của tác giả bài báo mới đây trên tờ The New York Times (Thời báo New York) ngợi khen hệ thống cáp treo của Việt Nam.
Du lịch là cú hích giúp GRDP đầu người của Sa Pa đã tăng từ hơn 40 triệu đồng/người lên hơn 80 triệu đồng/người trong vòng 5 năm qua. |
Tác giả Patrick Scott nhận định: “Hệ thống cáp treo được xem là những tính năng kỹ thuật tuyệt vời giúp dễ dàng tiếp cận những nơi xa xôi, được ví như đỉnh cao của phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu giải trí và có lượng khí thải carbon thấp. Điều này hỗ trợ rất lớn cho phát triển du lịch địa phương”.
Thực tế, hệ thống cáp treo là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của hạ tầng du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong vài năm trở lại đây.
Trước năm 2012, Sa Pa được biết đến là điểm đến có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, song vẫn nghèo nàn về sản phẩm, dịch vụ. Du khách đến đây chỉ có thể tham quan vài danh thắng quen thuộc như: thác Tình Yêu, chợ Tình, bản Lao Chải, bản Tả Van…, còn chinh phục "nóc nhà Đông Dương" chỉ dành cho một số ít du khách có sức khỏe và ưa mạo hiểm. Vì thế, lượng khách đến Sa Pa khi ấy chưa tới 500.000 lượt/năm và thời gian lưu trú không quá 2 ngày.
Bước ngoặt của du lịch Sa Pa diễn ra vào năm 2016, sau khi tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai được đưa vào sử dụng cùng hàng loạt các dự án du lịch "khủng" của các nhà đầu tư tư nhân, tiêu biểu là Tập đoàn Sun Group. Sự ra đời của khu du lịch Sun World Fansipan Legend, với tuyến cáp treo 3 dây đạt nhiều kỷ lục thế giới đã từng bước góp phần thay đổi diện mạo ‘thành phố trong mây’ Sa Pa.
Hạ tầng lưu trú ở Sa Pa cũng bước sang trang mới với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Nếu trước năm 2016, Sa Pa chỉ có khoảng 3.000 phòng khách sạn thì hiện nay thị xã có tới 570 cơ sở lưu trú với hơn 6.000 phòng. Từ chỗ không có phòng khách sạn 5 sao nào, Sa Pa đã được nâng tầm với khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế đầu tiên, Hotel de la Coupole - MGallery Sapa với phong cách thiết kế sang trọng, dịch vụ đẳng cấp.
Sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đã dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về du lịch. Năm 2013, Sa Pa mới chỉ đón 720.000 lượt khách, doanh thu 576 tỷ đồng, thì đến năm 2019, lượng khách đến Sa Pa đã đạt hơn 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 9.335 tỷ, gấp 16,2 lần so với năm 2013. Du lịch cũng là cú hích giúp GRDP đầu người của Sa Pa đã tăng từ hơn 40 triệu đồng/người lên hơn 80 triệu đồng/người trong vòng 5 năm qua.
Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tây Ninh… đã và đang lần lượt cất cánh, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ du lịch trong một thập kỷ qua. |
Không chỉ Sa Pa (Lào Cai), mà nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tây Ninh… đã và đang lần lượt cất cánh, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ du lịch trong một thập kỷ qua.
Chia sẻ về vai trò của du lịch đối với nền kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group cho rằng, đối với các quốc gia phát triển, du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, mà còn là sự hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Còn với các quốc gia đang phát triển, du lịch ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, và các khu vực gặp nhiều khó khăn.
“Nói về đóng góp trực tiếp, ngành du lịch chiếm 13-14% GDP, nhưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tác động trực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như lưu trú, vận tải, hàng không, ẩm thực, quà lưu niệm… đóng góp lớn cho việc phát triển bền vững nền kinh tế. Do đó, không nên chỉ nhìn vào doanh thu thuế trực tiếp từ ngành du lịch, mà cần nhìn cả vào đóng góp gián tiếp của du lịch qua các ngành kinh tế khác cho nền kinh tế thì mới thấy hết vai trò to lớn của ngành kinh tế xanh”, ông Bích nhấn mạnh.
Dẫn chứng về những đóng góp của du lịch, ông Bích lấy ví dụ các điểm điểm như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sa Pa, Nha Trang, Phú Quốc… những năm trước Covid-19 đã có sự thay đổi về du lịch rất lớn. Kéo theo đó là thay đổi cả hạ tầng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm,… Các dịch vụ được đẩy mạnh lên, nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng từ homestay đến tàu 5 sao, khách sạn vượt chuẩn 5 sao… được xây dựng đã tạo rất nhiều công ăn việc làm, và cơ hội cho người dân địa phương kinh doanh, buôn bán. “Địa phương có ngành du lịch phát triển thu được nhiều tiền thuế để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Quy mô nền kinh tế ở các tỉnh, thành phố này cũng tăng mạnh nhờ có lực đẩy của ngành du lịch”, ông Bích nói.
Theo ông Bích, tỉnh Quảng Ninh từ khi có vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000, doanh thu thuế từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tăng lên rất nhiều. Tương tự, Sa Pa, Đà Nẵng, giá bất động sản đã tăng hàng trăm lần so với 20 năm trước. Điều này không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn thu hút đầu tư từ nước ngoài rất lớn cho các địa phương.
“Các tỉnh có nguồn thu từ du lịch thì người dân ở đó thu nhập tốt hơn so với các tỉnh, thành ít phát triển du lịch. Chẳng hạn, Thái Bình hay Nam Định du lịch không phát triển, thì nền kinh tế cũng không có sự phát triển đột phá. Miền Tây Nam bộ cũng vậy, cũng du lịch chưa được phát triển mạnh, hạ tầng chưa tốt nên quy mô kinh tế của các địa phương này chưa được đẩy mạnh, không bứt lên được top đầu các tỉnh có nền kinh tế mạnh ở Việt Nam”, ông Bích phân tích.
Du lịch, đòn bẩy quan trọng để phục hồi kinh tế
Theo Ngân hàng Thế giới - WB (2019), du lịch là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia.
Đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2019, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới: khách du lịch quốc tế đạt 18 triệu lượt người; nội địa 85 triệu lượt người; tổng thu của ngành du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 6,24%, đóng góp 53,34% trong mức tăng trưởng chung của GDP nền kinh tế. |
Trong tình hình khó khăn của nền kinh tế như hiện nay, lĩnh vực dịch vụ, du lịch được coi là một điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo Báo cáo Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 6,24%, đóng góp 53,34% trong mức tăng trưởng chung của GDP nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, thì mức phục hồi tăng trưởng du lịch Việt Nam còn rất khiêm tốn. Thái Lan trong 9 tháng năm 2023 đã đón 19 triệu lượt khách, hơn gấp đôi thành tích của Việt Nam. Quốc đảo Singapore, với diện tích chỉ nhỉnh hơn một chút so với đảo Phú Quốc, đặt ra mục tiêu dự kiến là 12 - 14 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Một trong những nguyên nhân chính của kết quả tăng trưởng này là do nước bạn triển khai rất nhiều chính sách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện tối đa cho du lịch tăng trưởng. Điển hình, Thái Lan đã thực hiện loạt chính sách ưu tiên cho du lịch như: Nâng thời gian miễn visa cho các quốc tịch đủ điều kiện từ 30 ngày thông thường lên 45 ngày; nâng thời hạn visa nhập cảnh tại cửa khẩu bay từ 15 lên 30 ngày và tăng tần suất chuyến bay; miễn thị thực cho du khách đến từ hai nước Trung Quốc và Kazakhstan kể từ ngày 25/9/2023 đến 29/2/2024 và ngay sau đó là Ấn Độ và Đài Loan từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024; Thái lan cũng chi ngân sách 16,5 triệu USD cho mùa cao điểm quốc tế quý 4/2023 và quý 1/2024 để thu hút khách đến Thái Lan…
Nhìn vào những gì nước bạn đã và đang làm, thì những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch của Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là chính sách thị thực mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần, vẫn còn chưa thấm tháp vào đâu.
Ông Bích cho rằng: “Ngành du lịch Việt Nam đang thiếu nhạc trưởng để gắn kết các bên liên quan, cùng nhau phát triển. Tôi đã nhiều lần đề xuất cần tạo ra một diễn đàn có các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch cùng có lợi ích để thống nhất chương trình, chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch trong 5-10 năm và 20 năm nữa. Các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippin, ngay cả Campuchia cũng đang làm rất tốt điều này. Họ có Ban chỉ đạo về du lịch chung, các tỉnh do trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành phối hợp nhịp nhàng để phát triển ngành kinh tế xanh”.
Mặt khác, theo ông Bích, doanh nghiệp du lịch hiện chưa khôi phục được như trước dịch, chủ yếu cố gắng duy trì hoạt động để hướng tới tương lai 1-2 năm nữa có doanh thu, lợi nhuận. Do đó, Chính phủ cần có nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì đến khi có nguồn khách, có lợi nhuận.
“Nếu không có sự thúc đảy, hỗ trợ từ Nhà nước thì không thể biết vài năm tới sẽ như thế nào. Có thể chủ doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn ngắn hạn, nhân sự không có chuyên môn ổn định, thì sẽ cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng không ổn định, mà giá dịch vụ lại cao, chất lượng dịch vụ thấp. Chúng ta không có quỹ chung hỗ trợ, không có chính sách hỗ trợ cho người làm du lịch, không có chính sách chung, tầm nhìn xa, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ai hỗ trợ ai thì hệ luỵ là khách không đến. Và thực tế chúng ta đang nhìn thấy điều đó qua bài học rất rõ từ Phú Quốc. Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… đang làm rất tốt, khách quốc tế đến rất đông.
Chúng ta cần suy nghĩ, có hành động cụ thể, thời gian cụ thể cho mỗi hoạt động, còn cứ bàn giải pháp mãi, nhưng lại không ai thực hiện, không biết bao giờ triển khai thì sẽ rất khó tiến cùng và vượt lên so với các điểm đến trong khu vực”, ông Bích nhấn mạnh.
Để phục hồi kinh tế, thì phục hồi ngành du lịch phải là một phần cấu thành quan trọng. Tuy nhiên, để du lịch tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần vào cuộc để có những giải pháp và hành động hỗ trợ quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho du lịch.