Du lịch
Du lịch Ninh Bình: Những điểm đến ấn tượng
Phương Liên - 29/04/2023 10:17
Các địa điểm du lịch Ninh Bình luôn là những địa danh thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ đến ngây người.
Nghi thức rước nước tại Lễ hội Hoa Lư

Thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh non nước hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh về cả cảnh quan và ý nghĩa lịch sử đã giúp Ninh Bình trở thành điểm đáng đến nhất thế giới do Forbes bình chọn.

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới

Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam. Tổng diện tích 12.252 ha, ôm trong mình hầu hết các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh của Ninh Bình đã được nhận diện, xếp hạng 26 di tích cấp tỉnh, 20 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư và Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động).

Quần thể danh thắng Tràng An có các giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật, với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, được tạo bởi sự kết hợp hài hòa về hình sông, thế núi, các hang động ngập nước quanh năm với thảm động, thực vật còn hoang sơ nguyên vẹn. 

Dựa trên ba tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo, ngày 25/6/2014, UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận.

Khu du lịch sinh thái Tràng An

Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm ở trung tâm của Quần thể di sản danh thắng Tràng An có diện tích khoảng 2.168 ha, cách thành phố Ninh Bình 7 km về phía Tây. Toàn cảnh khu sinh thái là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động hoang sơ, kỳ bí. Hiện khu du lịch đang khai thác hai tuyến du lịch đường thủy với chiều dài gần 20km xuyên qua nhiều hang động lung linh, huyền ảo. Trong đó có các đền, chùa, phủ gắn với vùng đất Cố đô Hoa Lư tô điểm, khẳng định giá trị lịch sử vàng son trong quá trình xây dựng và gìn giữ đất nước của ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý.

Mùa vàng Tam Cốc

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới, cách Ninh Bình 7 km. Đây là một trong những thắng cảnh đẹp nhất Ninh Bình, trải qua hàng triệu năm kiến tạo vẫn giữ được nét nguyên sơ, thiên tạo, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng: Tam Cốc, chùa Bích Động, đền Thái Vi, động Tiên, chùa Linh Cốc, Thung Nắng, Vườn Chim Thung Nham. Đến với Tam Cốc - Bích Động, du khách được du thuyền trên dòng Ngô Đồng, hòa mình vào vẻ đẹp huyền bí của “Nam thiên đệ nhị động”.

 Cố đô Hoa Lư

 Du khách có thể du lịch Ninh Bình vào tất cả các mùa, mùa nào cũng đẹp nhưng đẹp nhất là từ tháng1đến tháng 3 âm lịch. Ninh Bình tiết xuân không quá lạnh hay quá nóng, du khách có thể du lịch, du xuân vãn cảnh chùa, lễ chùa cầu may năm mới. Còn vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 là đúng mùa lúa chín vàng trên cánh đồng trải dài hàng dặm bên những dòng sông uốn lượn quanh co.

Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đây là quần thể di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia đặc biệt. Cố đô Hoa Lư rộng 300 ha được bao quanh là những dãy núi đá vòng cung, hùng vĩ. Cố đô Hoa Lư gắn liền với 3 vương triều Đinh, Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Qua thời gian, thăng trầm lịch sử, Cố Đô vẫn lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hùng như: đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, vua Lê, chùa Nhất Trụ, đền Vực Vông, bia Cửa Đông…cùng những dãy tường thành thiên tạo, những núi non, hang động kỳ thú, tạo nên một “Kinh đô đá” trường tồn cùng đất nước.

Đền vua Đinh Tiên Hoàng

Đền vua Đinh được xây dựng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, trong khuôn viên rộng 5 mẫu, quay hướng Đông, lấy núi Mã Yên làm án. Đền vua Đinh được xây dựng theo lối "nội công, ngoại quốc", có ba tòa: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Đền vua Đinh là một công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo ở thế kỷ XVII, kiến trúc thời Hậu Lê với các đề tài: tiên cưỡi rồng, lưỡng long chầu lá đề, rồng ổ, rồng đàn…

Đền vua Lê Đại Hành

Đền vua Lê Đại Hành được xây dựng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, quay hướng Đông, lấy núi Đèn làm án, cách đền vua Đinh 300m về phía Bắc. Kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc" ba tòa: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Đền còn giữ được nhiều mảng điêu khắc thời Hậu Lê như: Long hổ hội ngộ, ao sen, cá hóa rồng, trúc hóa long, tiên cưỡi rồng…

Động và chùa Am Tiên

Động và chùa Am Tiên nằm trong dãy núi Ngũ Phong Sơn Cố đô Hoa Lư là nơi thờ Phật và Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Tương truyền, dưới thời nhà Đinh đây là ngục đá nhốt hổ dữ để trị kẻ có tội. Đến thời nhà Lý, thiền sư Nguyễn Minh Không đã vào đây tụng kinh thuyết pháp, cải  đặt tên là động Am Tiên. Muốn lên được động phải leo hơn 200 bậc đá. Nhiều nhũ đá trong động có hình cây thóc, cây tiền, trái phật thủ, nụ hoa sen rủ xuống. Từ động Am Tiên nhìn xuống, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ với thế núi cao sừng sững và hồ nước trong xanh hút tầm mắt.

Hang Tam Cốc tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

Chùa Nhất Trụ

Chùa Nhất Trụ là ngôi chùa cổ từ thế kỷ X, thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư. Tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là Cột kinh Phật tạo tác từ đá cao 4,16 m, nặng 4,5 tấn gồm tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Cột Kinh Phật chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng năm 995 với nội dung “kinh tràng” cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh và thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu của Phật pháp. Kinh Phật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Khu tâm linh núi chùa Bái Đính

Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách TP. Ninh Bình 18 km và Thủ đô Hà Nội khoảng 100 km, gồm chùa Bái Đính cổ và khu chùa mới.

Chùa Bái Đính cổ là ngôi chùa có từ lâu đời, gắn liền với nhiều giai thoại, huyền thoại về Thiền sư danh tiếng của nước Nam - Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, ngài đã đặt nền móng, xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật ở nơi đây năm 1136.

Năm 2003, chùa Bái Đính mới được xây dựng và mở rộng trên diện tích hơn 1000 ha. Chùa Bái Đính mới là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, mang đậm bản sắc Á Đông, với các hạng mục xây dựng trên địa hình từ thấp lên cao, gồm 5 cấp theo đường chính đạo, nổi tiếng với nhiều kỷ lục được xác lập như: Chùa có tượng Phật giát vàng lớn nhất châu Á, Hành lang La Hán dài nhất châu Á, Tháp xá lợi Phật cao nhất châu Á, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Hàng năm thu hút gần 5 triệu khách đến tham quan, chiêm bái.

Tin liên quan
Tin khác