Du lịch
Du lịch, văn hóa, thể thao cần bắt tay chặt chẽ hơn
Hạnh Phúc thực hiện - 20/01/2024 09:54
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch, văn hóa, thể thao cần “bắt tay” nhau chặt chẽ hơn để cùng phát triển.
Ông Vũ Thế Bình Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Thưa ông, năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế đặt ra hồi đầu năm. Là người gắn bó với ngành du lịch hơn 50 năm, ông nhận định thế nào về sự phục hồi của du lịch trong năm 2024?

Những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ khi sửa Luật Xuất nhập cảnh, cùng nhiều hoạt động ngoại giao sôi động đã tạo tiền đề cho du lịch năm 2024 có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, năm 2024, ngành du lịch vẫn gặp khó khăn, bởi lẽ nhiều quốc gia chưa hồi phục và chính sách của họ có những thay đổi nhất định. Để thu hút khách quốc tế, chúng ta phải nghiên cứu kỹ thị trường và xúc tiến mạnh hơn nữa.

Mặt khác, hậu Covid-19, nhu cầu, sở thích của du khách thay đổi, đòi hỏi ngành du lịch phải chuyển đổi theo. Cần tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với xu thế, trong đó du lịch văn hóa sẽ là một loại hình quan trọng của tương lai, nên toàn ngành đang tập trung vào phát triển du lịch văn hóa.

Bên cạnh đó, hiện hơn 50% nhân lực ngành du lịch đã dịch chuyển sang ngành khác, bởi thế, năm 2024 cần tiếp tục thu hút và đào tạo nhân sự.

Như vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh cả về chính sách, sản phẩm, nhân lực và quảng bá, xúc tiến du lịch. Năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thể hiện quyết tâm, tôi tin rằng, phía Nhà nước sẽ tập trung đầu tư xúc tiến ở tầm vĩ mô.

Còn về phía các doanh nghiệp du lịch, họ đang đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, xúc tiến ra thị trường nước ngoài. Nhiều khả năng, năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng cao.

 

Ông dự báo các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi ra sao?

Mặc dù các thị trường khách quốc tế đang trong quá trình hồi phục, nhưng thực tế, một số thị trường quan trọng của chúng ta lại chưa như kỳ vọng. Trong đó, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng, các doanh nghiệp Việt đang kỳ vọng cũng như tin tưởng vào sự mở cửa của thị trường này. Chúng tôi đang chờ đợi những nỗ lực giữa hai nước để khai phá thị trường Trung Quốc nhiều hơn nữa và hy vọng năm 2024, lượng khách Trung Quốc trở lại Việt Nam sẽ bằng năm 2019.

Hai thị trường lớn khác là Nhật Bản, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục khá nhanh và tôi tin năm 2024 hai thị trường này sẽ vượt số lượng đã đạt được năm 2019. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các doanh nghiệp thành viên đang phấn đấu có thể thu hút được 20 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024.

Ông vừa đề cập việc năm 2024 Việt Nam cần đẩy mạnh loại hình du lịch văn hóa để hấp dẫn du khách. Năm 2023 đã chứng kiến làn sóng du lịch concert với nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Theo ông, cần làm gì để phát triển loại hình này?

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nhưng có yếu tố xã hội và nội hàm văn hóa cao, do đó, nếu du lịch hoạt động, vận hành dựa trên nền tảng văn hóa thì sẽ phát triển tốt và bền vững.

Câu chuyện ở đây là, đôi khi chúng ta còn có sự lẫn lộn giữa du lịch và văn hóa. Du lịch là khai thác những giá trị của văn hóa để tạo thành sản phẩm bán được cho du khách, chứ du lịch không làm văn hóa. Vì thế, khi có một sự kiện văn hóa thì chúng ta lại không nhớ đến du lịch. Bản thân ngành văn hóa khi tổ chức những sự kiện lớn và tốn kém, không trao đổi, hợp tác với du lịch hoặc chính ngành du lịch không tìm đến những sự kiện văn hóa. Vô tình chúng ta đã bỏ lỡ giá trị tài nguyên quý báu này.

Chỉ khi du lịch và văn hóa “bắt tay” nhau, thì mới tạo được liên kết để hai bên cùng có lợi. Văn hóa tổ chức sự kiện được nhiều người xem, mà du lịch lại có sản phẩm hấp dẫn, hai bên cùng thu được nhiều lợi nhuận hơn, giúp điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Xu thế hậu Covid-19 là tổ chức những hoạt động du lịch có tính chuyên sâu, khai thác những khía cạnh cảm thụ cao hơn cho du khách, bởi du khách ngày nay có nhu cầu tìm hiểu sâu về văn hóa, lịch sử. Đây chính là “chìa khóa” để các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa, kiến thức cũng như chứa đựng nhiều hàm lượng cảm thụ để hấp dẫn du khách nhiều hơn.

Bên cạnh đó, du lịch phải gắn kết hơn nữa với các sự kiện văn hóa, thể thao và nhiều sự kiện khác. Có những sự kiện âm nhạc thu hút tới hàng chục vạn người tham dự và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho du lịch khai thác.

Hiện nay, du lịch chưa khai thác được nhiều ở các sự kiện là do tính liên kết giữa văn hóa và du lịch còn lỏng lẻo. Do đó, việc bắt tay giữa các ngành là điều bắt buộc phải làm. Vì thế, mỗi lần có sự kiện âm nhạc, thể thao lớn, chúng tôi mong muốn các nhà tổ chức hãy thông báo với ngành du lịch để cùng hợp tác, đảm bảo lượng khách đến mang lại hiệu quả cho cả địa phương mà sự kiện đó diễn ra.

Tin liên quan
Tin khác