Du lịch
Du lịch xanh - chìa khóa để phát triển du lịch bền vững
H.Sương - 05/04/2024 08:05
Khi du khách sẵn sàng chi trả cao hơn cho hành trình có chiều sâu, trách nhiệm và có giá trị đóng góp cho môi trường sống, thì các doanh nghiệp du lịch cũng sẵn sàng hướng đến ngành du lịch bền vững.
 Du lịch xanh được nhiều doanh nghiệp triển khai, song còn còn manh mún, chủ yếu chỉ tập trung vào bảo vệ môi trường.

Tăng về số lượng

Phát triển du lịch xanh đang được coi là một trong những giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Đồng hành cùng nhiều ngành kinh tế khác, du lịch đang dần trở thành ngành mang lại lợi ích kinh tế to lớn không những cho doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là vùng rừng núi xa xôi hay hải đảo.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image Travel & Events thông tin, trong năm 2023, doanh nghiệp chỉ dùng “du lịch xanh” như là một yếu tố nằm trong một sản phẩm chung để kích thích nhu cầu khách hàng. Bước sang năm 2024, qua các trao đổi với các đối tác, khách hàng, Image Travel nhận thấy sự quan tâm đến sản phẩm có xu hướng gia tăng. Từ chỗ bị động nhận các sản phẩm có tính xanh, thì một số doanh nghiệp tự động yêu cầu bổ sung yếu tố thiên nhiên hoặc du lịch có trách nhiệm vào chương trình.

Ghi nhận tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Đổi mới (InnoTour), năm 2023, doanh nghiệp này đã phát triển được một số sản phẩm du lịch xanh như các tour đến Đà Lạt, Đắk Lắk, Tà Đùng, Mã Đà… Trong đó, nhu cầu của du khách tăng 8% so với năm 2022.

Nhằm đa dạng hóa trải nghiệm du lịch xanh, các đơn vị lữ hành đã xây dựng một số địa điểm mới như Mũi Né, Vĩnh Hy, Cam Ranh, Nha Trang, Đắk Nông, Đắk Lắk… Với các tour này, du khách được trải nghiệm trong môi trường thiên nhiên nhiều hơn, như đi bộ, đạp xe qua các buôn làng…

Ông Hoàng Trọng Quyền, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tour Hot 247 cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp đẩy mạnh các tour du lịch xanh như camping, tour khám phá về Bù Gia Mập, Nam Cát Tiên… Nhờ vậy, doanh số ở mảng du lịch xanh ghi nhận mức tăng trưởng 30% so với năm 2022.

“Trong quý I/2024, doanh nghiệp có 2 đoàn khách lớn tham gia hoạt động team building kết hợp với các hoạt động xanh, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong hành trình tham gia tour ở Ninh Hòa, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động làm sạch cung đường trekking trong rừng ở Khu du lịch Ba Hồ”, ông Quyền cho hay.

Còn manh mún

Theo chuyên gia trong ngành du lịch, mặc dù du lịch xanh được nhiều doanh nghiệp triển khai, song còn còn manh mún, chủ yếu chỉ tập trung vào bảo vệ môi trường.

Ông Trần Tường Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch và xã hội cho biết, phần lớn doanh nghiệp hiện nay có ý thức về du lịch xanh. Một số doanh nghiệp đã thực hiện du lịch xanh, nhưng mới ở mức độ giải quyết các vấn đề phát sinh từ khách du lịch như nhặt rác.

Theo các doanh nghiệp du lịch, hành trình này thật sự còn rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua mọi yếu tố văn hóa, môi trường, tạo ra cái nhìn méo mó về du lịch bền vững. Vì vậy, để du lịch xanh được duy trì và phát huy, cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nêu thực trạng, các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… thu hút lượng lớn khách du lịch là một điều tích cực cho ngành, nhưng mặt trái là tạo áp lực lớn lên môi trường và hạ tầng.

“Thực tế, công tác tổ chức hoạt động du lịch xanh; sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương còn chưa thực sự thường xuyên. Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về tài chính trong các chương trình, hoạt động triển khai du lịch xanh”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.

Do đó, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) kiến nghị, cần hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch xanh để khuyến khích hành vi xanh, tư duy xanh và hành động xanh của những người làm du lịch nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Trong đó, các địa phương và sở, ban, ngành có thể hỗ trợ bằng các hình thức như ưu đãi về thuế, hạn mức và thủ tục vay vốn đầu tư xanh, hỗ trợ quảng bá và nêu gương các đơn vị làm tốt để lan tỏa trong cộng đồng, ưu đãi và gỡ bỏ thủ tục rườm rà cho các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xanh, đồng hành cùng cộng đồng cư dân địa phương để phát triển du lịch xanh, bền vững. 

Tin liên quan
Tin khác