Doanh nghiệp
Dự phòng tới 20%, vẫn lo thiếu điện
Thanh Hương - 18/02/2020 10:26
Bên cạnh đề xuất hàng loạt giải pháp cấp bách chống thiếu điện, Bộ Công thương còn thống kê mức dự phòng về nguồn cấp điện trong năm 2020, theo đó con số này lên tới hơn 20%.
.

Lạc quan

Điểm đáng chú ý ở Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (BCĐ) do Bộ Công thương phát hành ngày 31/1/2020 chính là đưa ra được tỷ lệ dự phòng về nguồn cung điện của năm 2020 lên tới 22,2% - một con số rất lạc quan trong điều kiện không tính các nguồn gió, mặt trời và tích năng.

Cụ thể, theo Báo cáo, nhu cầu tiêu dùng điện của cả nước năm 2020 là 42.080 MW, ở phía nguồn cung, tổng công suất nguồn được lắp đặt của toàn hệ thống được công bố là 59.090 MW. Nếu không tính các nguồn gió, mặt trời và tích năng thì tổng công suất đặt của hệ thống được tính là 51.410 MW.

Tuy nhiên, điều mà người làm điện thực thụ quan tâm là “công suất khả dụng” lại mang tính thời điểm, thay vì thuần túy nhìn vào “công suất lắp đặt” của hệ thống. Nghĩa là, tuy có nhà máy điện nhưng có thể phát ra điện hay không lại phụ thuộc vào nước hồ thủy điện, lượng khí cấp cho các tua-bin khí; nguồn than, dầu đầu vào của các tổ máy nhiệt điện than... Nhìn vào những gì mà ngành điện đã trải qua trong năm 2019, lẫn thực tế các nguồn cung đầu vào cho sản xuất điện thì mọi việc không dễ dàng.

Thời điểm cuối tháng 12/2019, tổng công suất đặt toàn hệ thống được ngành điện công bố là 54.880 MW, trong đó có gần 5.000 MW là điện mặt trời.

Theo Phụ lục 5 của Quyết định 3733/QĐ-BCT (ngày 16/12/2019), năm 2020 sẽ có thêm 4.329,4 MW công suất nguồn điện mới được bổ sung vào hệ thống. Tuy nhiên, chính Phụ lục này cũng chỉ đếm 44 MW của Nhà máy Thủy điện Long Tạo được vận hành trong tháng 1/2020. Tất cả các nguồn điện mới còn lại đều có kế hoạch đưa vào vận hành trong nửa cuối năm 2020.

Trong khi đó, cao điểm mùa khô khiến ngành điện phải căng mình đối phó thường diễn ra vào tháng 4 đến giữa tháng 6 hàng năm. Lúc đó, miền Nam vẫn đang là mùa khô, còn miền Bắc chưa đến mùa mưa, các hồ thuỷ điện đã cạn nước nên dù muốn cũng không chạy được máy.

Trên thực tế, trong năm 2019, tình hình khô hạn đã xảy ra ở hầu hết các khu vực, nước về các hồ chứa rất thấp. Các hồ thủy điện lưu vực sông Đà có lượng nước về thấp nhất trong 30 năm trở lại đây (kể từ khi có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình), nên sản lượng thủy điện đã giảm 16,3 tỷ kWh so với năm 2018 và thấp hơn 7,0 tỷ kWh so kế hoạch. Đồng thời, tổng lượng nước tích trong các hồ thủy điện đến cuối năm 2019 hụt trên 11 tỷ m3 so với đầy hồ, tương ứng sản lượng điện thiếu hụt khoảng 4,5 tỷ kWh.

Dù trong tháng 1/2020 có những ngày mưa, khiến xả nước cho nông nghiệp giảm, nhưng không thay đổi được cục diện nguồn nước thủy điện với điều kiện hạn nặng.

Vẫn theo EVN, từ ngày 1/1/2020, tổng lượng khí cho phát điện giảm tiếp, chỉ đáp ứng được khoảng 53% công suất thiết kế.

Về nhiệt điện than cũng không phải đã hết lo, khi việc cấp than đủ chất lượng, số lượng và thời gian phải đối diện với thực tế bị huy động cao, từ 6.500-7.000 giờ/năm, tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường trong điều kiện trời quá nóng, nước làm mát có thể không làm mát thiết bị được như mong muốn, dẫn tới hiệu suất phát điện không cao, thậm chí phải dừng vận hành.

Năm 2019, EVN đã phải huy động gần 1,8 tỷ kWh điện và tới năm 2020, kế hoạch là huy động ít nhất 3,4 tỷ kWh điện chạy dầu. Tuy nhiên, chạy nhiều nhiệt điện dầu thì EVN không gánh nổi chi phí do giá mua điện cao, trong khi giá bán lẻ điện thấp hơn rất nhiều.

Khó khăn vẫn dày đặc

Các vướng mắc trong thực hiện đầu tư dự án ngành điện không có gì mới. Cụ thể, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và có xu hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trong quá trình giải phóng mặt bằng cho các dự án truyền tải do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian, khiến một số công trình lưới điện quan trọng chưa thể đưa vào vận hành hoặc chưa thể khởi công năm 2019.

Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến việc xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài; đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi chi phí đền bù vô lý.

Ở các dự án có vốn ngoại, vướng mắc được nhắc tới là quá trình đàm phán bộ hợp đồng BOT và cấp giấy phép đầu tư vẫn bị kéo dài do liên quan đến nhiều bộ/ngành. Các vướng mắc chủ yếu đến từ các vấn đề chính sách ưu đãi, chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng. Thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan thường kéo dài.

Bởi vậy, nhận rõ thực trạng của hệ thống điện hiện tại là điều quan trọng để có các giải pháp ứng phó kịp thời là điều cần thiết nhất với Chính phủ và các cơ quan hữu trách hiện nay, chứ không phải chỉ thuần tuý đưa ra các con số sẵn có.

Tin liên quan
Tin khác