Các nhà mạng đang kiến nghị Chính phủ có chính sách thúc đẩy phát triển 5G. |
Thuê bao 5G chỉ đạt 0,54%
Theo Báo cáo kinh tế di động 2022 (The Mobile Economy 2022) của Hiệp hội Các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA), đến nay trên thế giới đã có 209 nhà khai thác triển khai 5G thương mại tại 83 quốc gia và sẽ đạt 1 tỷ kết nối trên toàn cầu trong năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy, việc đầu tư vào 5G sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số đầu tư của các nhà khai thác di động trong giai đoạn 2022-2025. Theo đó, đầu tư vào 5G trong giai đoạn này sẽ chiếm 85% trong tổng số 620 tỷ USD mà các nhà khai thác di động dự kiến đầu tư vào việc xây dựng và phát triển mạng lưới của mình.
Việt Nam là nhà mạng tiên phong trong tiếp cận, triển khai mạng 5G. Từ tháng 5/2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G. Cuối tháng 12/2020 đến nay, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đã thử nghiệm thương mại 5G tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sau gần 18 tháng, khi mà thế giới đã có bước phát triển dài trong thương mại hóa 5G, thì Việt Nam vẫn chưa thể thương mại hóa 5G, tỷ lệ kết nối, sử dụng mạng 5G khá thấp. Theo đó, trong tổng số hơn 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G), thì tỷ trọng thuê bao 5G chỉ đạt 0,54%, khoảng hơn 360.000 thuê bao.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, với nguồn lực của Việt Nam, kết quả đạt được trong nghiên cứu, phát triển thiết bị 5G từ năm 2019 đến nay có thể đánh giá là đã có bước đột phá. Tuy nhiên, để đáp ứng triển khai mạng 5G bằng thiết bị hoàn toàn của Việt Nam ở diện rộng trong năm 2022 là chưa được. Nguyên nhân do khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch bệnh Covid-19 và tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đã làm kéo dài thời gian nghiên cứu sản xuất thêm 10 - 12 tháng.
Cùng với đó, còn là thách thức về kỹ thuật, công nghệ. Các tiêu chuẩn công nghệ 5G về chất lượng sản phẩm và dịch vụ đang phát triển và chưa được quốc tế thống nhất ban hành. Ngoài ra còn khó khăn về nguồn lực đầu tư. Việt Nam mới chỉ đầu tư cho 5G khoảng 65 triệu USD, trong khi các hãng lớn trên thế giới đầu tư từ 2 đến 10 tỷ USD.
Dỡ bỏ rào cản
Các nhà mạng khá sốt ruột với tỷ lệ người dùng 5G thấp hơn so với kỳ vọng. Trong kiến nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT cho biết, các nhà mạng đã thực hiện cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G, tuy nhiên chưa hội tụ đầy đủ điều kiện để thương mại hóa do hạn chế về băng tần, phát triển hệ sinh thái 5G và chi phí triển khai lớn.
VNPT kiến nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái 5G trong các ngành nghề của nền kinh tế như công nghiệp, dịch vụ...; hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai 5G như: miễn/giảm thuế phí nhập khẩu thiết bị, tần số, tài trợ các dự án 5G; sớm quy hoạch tổng thể và thực hiện kế hoạch đấu giá, thi tuyển băng tần trong năm 2022.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích nếu làm chủ được công nghệ mới của thế giới như 5G và tới đây là 6G. VNPT đang tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng vùng phủ 4G và thương mại hóa 5G vào năm 2022 theo kế hoạch và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
“Việc đầu tư 5G diện rộng chỉ được thực hiện khi nhu cầu và tỷ lệ người dùng đạt quy mô nhất định”, ông Liêm cho biết.
Để phủ sóng 5G diện rộng, thương mại hóa 5G đòi hỏi phải có từ 30.000 đến 70.000 trạm BTS 5G. Với suất đầu tư hiện tại khoảng 1 tỷ đồng/trạm, chi phí đầu tư cho phương án này sẽ từ 30.000 đến 70.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, trong sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 nhà mạng sẽ đầu tư và sử dụng chung mạng 5G. Tại Hội nghị - Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện giải pháp để đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư.
“Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thông qua thử nghiệm, Bộ đề nghị doanh nghiệp đánh giá về nhu cầu của thị trường và đề xuất các chính sách, tiêu chí cấp phép để phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp. Bộ cũng đang quy hoạch các băng tần 6/7 GHz và trên 40 GHz cho thông tin di động 5G. Băng tần 900 MHz, 1800 MHz và 2100 MHz cũng được phân bổ lại cho mạng 4G và 5G.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bổ sung băng tần 2,3 GHz cho các nhà mạng để phát triển hạ tầng 4G, cùng với đó sẽ cấp phép chính thức thương mại hóa mạng 5G. Khi đó, tốc độ di động của Việt Nam sẽ được nâng lên và vùng phủ sóng cũng được cải thiện. Cũng trong năm 2022, mạng 5G sẽ được bảo đảm cung cấp tốc độ trên 100 Mbit/s để phủ sóng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đô thị lớn, tiến tới năm 2025 cơ bản phủ sóng các tỉnh lớn và 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2030.
“Các nhà mạng cần có lộ trình, kế hoạch dừng đầu tư hạ tầng công nghệ cũ để thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh, kích cầu sử dụng dữ liệu. Chuyển hướng đầu tư cho các mạng di động thế hệ sau, triển khai mạng di động 5G với ưu tiên dùng chung hạ tầng vô tuyến và roaming”, ông Nguyễn Phong Nhã khuyến nghị.
Tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.
Nguồn: Viện Chiến lược thông tin và truyền thông