Diễn ra sau khoảng một năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 200/2017/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) Việt Nam đến năm 2025, Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp logistics, các đơn vị vận tải, các hiệp hội vận tải… đại diện cho các thành phần trong chuỗi logistics Việt.
Là chất keo kết dính, xâu chuỗi các ngành sản xuất, vận chuyển, phân phối, thương mại, kho bãi… logistics đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam |
Đây là lý do khiến Hội nghị càng trở nên quan trọng với không chỉ riêng ngành dịch vụ logistics, mà còn của cả ngành xuất nhập khẩu Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, theo nghiên cứu, đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số Hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước; chi phí logistic của Việt Nam tương đương 20,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là con số ở mức độ trung bình so với các nước đang phát triển có mức GDP tương ứng, nhưng cao đối với các nước phát triển. Cụ thể, tỷ lệ này ở Trung Quốc khoảng 19%, Thái Lan (18%), Nhật Bản (11%), các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) khoảng 10%...
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics (khoảng 59%). Với từng mặt hàng khác nhau, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Điều này cho thấy để hoàn thành sứ mạng gia tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, ngành logistics Việt Nam cần phải tìm được sợi dây liên kết, phải có giải pháp đột phá so với điều kiện thực tế của mình.
Có lẽ, điểm yếu cố hữu của chuỗi logistics tại Việt Nam chính là kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt với hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển còn chắp vá… Tính kết nối kém còn thể hiện qua sự rời rạc giữa nhà sản xuất/đơn vị nhập khẩu với doanh nghiệp vận tải, kho vận, cảng biển và các cơ quan hải quan, kiểm dịch. Tính kết nối kém đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế sự phát triển của hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
Ở góc nhìn ngược lại, nếu có một nhạc trưởng đủ tài hoặc một cơ chế đủ sức hấp dẫn để hình thành chuỗi gắn kết giữa các phương thức vận tải; giữa ba nhà: sản xuất, vận tải và cơ quan hải quan… thì Chỉ số LPI tại Việt Nam chắc chắn sẽ cải thiện mạnh, mà không tốt quá nhiều chi phí.
Tại Hội nghị nêu trên, Ban Tổ chức sẽ dành khoảng một nửa thời gian để lắng nghe, giải đáp trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp logistics. Qua đối thoại, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến tâm huyết nói thẳng, nói thật từ lãnh đạo các đơn vị những người trực tiếp lăn lộn trên thị trường cung cấp dịch vụ logistics để có thể sớm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa 5 phương thức vận tải, giữa hai nhà và cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng chính là đề bài mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Ban Tổ chức để chung tay tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; giảm chi phí vận tải. Quan trọng hơn, đây còn là nỗ lực nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực - lĩnh vực mà chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển.