Đức giảm thuế cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Reuters |
Đây là nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, không có dấu hiệu phục hồi sau cuộc suy thoái kỹ thuật hồi mùa Đông. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng âm trong năm nay.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tuyên bố của chính phủ liên bang cho biết, với mức giảm thuế dự kiến hơn 30 tỷ euro trong 4 năm, chương trình này sẽ giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Scholz cho rằng Đức cần phải ứng phó với nền kinh tế ốm yếu để kích thích tăng trưởng. Trước đó, tại cuộc họp nội các kéo dài 2 ngày tại lâu đài Schloss Meseberg ở ngoại ô Berlin, ông Scholz cho biết: “Chúng tôi thảo luận giải pháp để có thể tạo ra cú hích mạnh hơn. Nền kinh tế Đức có thể làm được nhiều hơn thế”.
Theo người đứng đầu chính phủ, việc giảm thuế là một phần của chương trình 10 điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để các công ty đưa ra quyết định đầu tư vào Đức.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lo ngại rằng nếu không có “quỹ xanh mới” của Liên minh châu Âu (EU), chỉ những nền kinh tế lớn hơn với nhiều quyền lực tài chính hơn mới có thể thúc đẩy kinh tế bằng các gói trợ cấp quốc gia, khiến các nước nhỏ hơn bị tụt lại phía sau.
Ngành công nghiệp chủ chốt của Đức, vốn là động lực tăng trưởng truyền thống, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong những tháng gần đây khi xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao và hoạt động toàn cầu trì trệ.
Đức đã ghi nhận mức tăng trưởng “bằng không” trong quý II vừa qua, sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm, với một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến giá năng lượng tăng vọt sau khi Berlin ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc năng lượng vào quốc gia này.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu thị trường (GfK), niềm tin của người tiêu dùng Đức có thể sẽ giảm trong tháng 9 tới. GfK nhận định: “Môi trường tiêu dùng hiện không có xu hướng rõ ràng, không tăng cũng không giảm, trong khi nhìn chung ở mức rất thấp. Cơ hội để niềm tin của người tiêu dùng có thể phục hồi bền vững trong năm nay đang ngày càng thu hẹp”.
Tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu, càng khẳng định rằng niềm tin của người tiêu dùng không được cải thiện vào thời điểm hiện tại.