Các cửa hàng nhỏ, quán ăn đường phố đang là phân khúc khách hàng rất tiềm năng của ví điện tử |
Cú hích từ đại dịch
Covid-19 bùng phát khiến người dân ở nhà nhiều hơn. Anh Phạm Văn Nam, chủ shop quần áo trẻ em ở Bắc Kạn bắt đầu tìm đến thanh toán điện tử và ví điện tử MoMo là ứng dụng được anh chọn để tải về smartphone của mình. Trước đây, anh Nam và những người thân trong gia đình có thói quen ra ngoài mua thẻ cào điện thoại, thanh toán tiền điện, nước…, thì nay, họ phát hiện ra trên ví này cũng có hầu hết các dịch vụ mà họ muốn.
Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% thị phần và top 3 là MoMo, Moca, ZaloPay. Mỗi đơn vị có một đường đi riêng, nhưng đa số đang xây dựng hệ sinh thái đóng, riêng MoMo là hệ sinh thái mở, tức là tất cả đối tác đều có thể kết nối với Ví.
Trong khi đó, một chủ shop hoa tươi ở Hà Nội cũng bắt đầu nhận thấy việc đẩy mạnh bán hàng online là phương án rất tốt, ít nhất có thể giúp cửa hàng tồn tại trong giai đoạn khó khăn.
Thậm chí, ở thị trường cấp thấp hơn là bán hàng rong cũng đã chấp nhận thanh toán bằng mã QR của ví điện tử dán trước quầy hàng. Người dân yêu thích sự tiện lợi của quầy hàng rong, chỉ cần mở điện thoại quét mã để thanh toán, mà không phải mất công tìm tiền lẻ, hoặc lo ngại đưa tiền mệnh giá lớn như trước.
Tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, ngày càng nhiều người chuyển sang dùng ứng dụng thanh toán di động, nhưng ở các vùng nông thôn không có hệ thống thanh toán điện tử vẫn có lượng dân số nhất định cần đến tiền mặt.
“Tôi luôn cầm theo một ít tiền, bởi nhiều hàng bán rong hoặc đồ ăn đường phố ở Hà Nội chỉ nhận tiền mặt. Với mọi thứ khác, tôi dùng ứng dụng trên điện thoại”, Phan Kiều Anh, sinh viên năm thứ 3, Khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng) nói. Cô rất thích sự tiện dụng khi không phải mang theo tiền, nhưng thừa nhận sẽ phải dùng tiền mặt hoàn toàn khi về quê ở huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang).
Những đối tượng nói trên là phân khúc khách hàng rất tiềm năng của dịch vụ thanh toán như ví điện tử, đặc biệt là ở vùng quê. Tuy nhiên, hầu hết các tên tuổi trên thị trường mới chỉ đang phát triển ở các thành phố cấp 1, cấp 2 và cần thời gian để xuống sâu hơn cấp 3, cấp 4.
Lý do, theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT MoMo, là người dân cần phải có smartphone, tài khoản ngân hàng và có dịch vụ để sử dụng. Ngoài ra, người lớn tuổi dù có smartphone, nhưng lại gặp khó khăn với các ứng dụng thanh toán, bởi họ không mấy am hiểu về công nghệ.
MoMo vẫn đang triển khai các kế hoạch để tiếp cận nhóm khách hàng này. Gần đây, Chính phủ cho phép áp dụng eKYC (định danh điện tử) để mở tài khoản ngân hàng điện tử. Điều này giúp các ứng dụng có thể đi xuống tận vùng sâu, vùng xa.
Đại dịch Covid -19 đã tạo “cú hích” về mặt nhận thức trong người dùng, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đối với thanh toán điện tử. Nếu trước đây, MoMo phải đến gặp từng người bán hàng để thuyết phục họ đưa dịch vụ lên MoMo, thì bây giờ, họ lại tìm đến, thậm chí đề nghị được kết nối nhanh. Năm 2020, ứng dụng MoMo đã đạt được những kết quả kinh doanh ngoạn mục với lượng khách hàng tăng gấp đôi so với năm 2019, đạt 23 triệu khách hàng; tổng lượng giao dịch cũng tăng 3,5 lần, đạt 14 tỷ USD.
Rõ ràng, tuy còn một số hạn chế trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng khi công nghệ phát triển, điện thoại di động rẻ hơn, Internet phổ biến hơn, thì bằng cách nào đó, các ứng dụng thanh toán vẫn có nền tảng phát triển tốt. Đó là cơ hội để các siêu ứng dụng ngoại dồn dập “đốt tiền” ở Việt Nam.
Tìm cách giữ chân khách hàng
“Miếng bánh” thị trường ví điện tử ở Việt Nam được đánh giá đang ngày càng lớn, khi dân số tiệm cận 100 triệu người, trong đó có một lượng lớn những người trẻ thích ứng nhanh với fintech.
Năm 2020, AppotaPay (thuộc công ty chuyên sản xuất nội dung số Appota Group) trở thành đơn vị thứ 39 được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động dịch vụ thanh toán trung gian. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Appota Group có thể sẽ phát triển nhanh chóng để vượt VNG.
Zalo là ứng dụng tin nhắn miễn phí được phát triển bởi VNG, sở hữu 52 triệu người dùng mỗi tháng. Nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người dùng cho ví điện tử ZaloPay.
Tương tự, AppotaPay cũng sẽ hưởng lợi từ hệ sinh thái hơn 55 triệu người dùng trong lĩnh vực giải trí số của Appota Group. AppotaPay không giấu tham vọng khi đặt mục tiêu mạng lưới hơn 1.000 điểm giao dịch trực tiếp, 10.000 điểm gián tiếp và kết nối với 50 triệu người dùng của Appota tại Việt Nam. ZaloPay có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp được hoạch định trong giai đoạn đầu của AppotaPay.
Không riêng AppotaPay - ZaloPay, thị trường ví điện tử Việt Nam sẽ còn chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt, “một mất, một còn”. Thậm chí, theo dự báo của ông Nguyễn Bá Diệp, trong 3 năm tới, sẽ chỉ còn 2 đến 3 ví điện tử có thể tồn tại; những ví nhỏ phải tìm thị trường rất riêng biệt, nhỏ hơn để tồn tại.
Trở lại với MoMo, tên tuổi này cũng đang tăng tốc để đạt được độ phủ lớn, tối thiểu 50 triệu khách hàng. Với đà tăng trưởng đang có, ông Diệp cho rằng, khoảng 2 năm nữa, MoMo sẽ đạt được con số này.
Hiện MoMo có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh. Ví này cũng đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.
Theo chiến lược phát triển đã đặt ra, MoMo đang ở “giai đoạn 4.0”, trở thành một siêu ứng dụng (super app). Theo đó, MoMo sẽ mang đến cho khách hàng cá nhân một ứng dụng “All in one” (tất cả trong một) trên điện thoại di động, “một “trạm dừng” mà người dùng có thể mua sắm, thanh toán, thực hiện dịch vụ tài chính, giải trí, đi lại, từ thiện…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tiểu thương nhỏ lẻ cũng có thể chấp nhận thanh toán MoMo hoặc đưa hàng hóa của mình lên bán trực tuyến trên ứng dụng chỉ trong 10 phút.
“Giải pháp này không những giúp tiểu thương yếu thế số hóa dịch vụ của họ một cách đơn giản, với chi phí gần như bằng 0, mà còn cung cấp cho họ ngay lập tức công cụ quản lý khách hàng, quản lý dòng tiền và chăm sóc khách hàng”, ông Diệp cho biết.
Mặc dù vậy, ông Diệp cũng thừa nhận, cái khó trong cạnh tranh là phải giữ được khách hàng, duy trì sản phẩm để họ hài lòng khi sử dụng và trở thành khách hàng trung thành.
Chạy đua xây dựng hệ sinh thái
Giới phân tích cho hay, hiện 2 “đại gia” của Trung Quốc là Alipay (Alibaba) và WeChat Pay (Tencent) đang đứng sau nhiều ví điện tử ở Indonesia, Malaysia, Việt Nam... Riêng ở Việt Nam, ZaloPay được hỗ trợ bởi Tencent, MoMo nhận đầu tư của Warburg Pincus còn Moca được Grab hậu thuẫn.
Ông Diệp rất tự tin khi MoMo là sản phẩm duy nhất do người Việt Nam tự xây dựng và thiết kế 100%. Đây là điều rất khác biệt so với các đơn vị khác, vì các đơn vị có tính chất toàn cầu thường xây dựng chung 1 sản phẩm cho tất cả thị trường, nên có thể có những thị trường sẽ không phù hợp.
Theo ông Diệp, yếu tố quyết định sự thành công của ví điện tử thể hiện qua hai góc độ: hệ sinh thái và trải nghiệm khách hàng.
Hệ sinh thái của ví điện tử bao gồm tất cả đối tác có liên kết với ví để cung cấp dịch vụ, từ ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, sàn thương mại điện tử, đơn vị bán hàng online, offline… Hệ sinh thái này phải đủ lớn và rộng để tạo sự thoải mái và đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu của khách hàng.
Về trải nghiệm, ví điện tử phải mang đến sự tiện dụng và niềm vui cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Khách hàng không cần một ứng dụng công nghệ khô khan, mà cần có được cảm xúc vui vẻ, nhân văn khi sử dụng dịch vụ. Đó cũng là lý do bên cạnh hàng ngàn dịch vụ, MoMo đã tung ra hàng loạt chương trình vui nhộn, có tính giải trí cao như: lắc xì, học viện MoMo, ngày hội siêu deal…
Đặc biệt, trong năm 2021, MoMo không chỉ “nghiêng” về người dùng cuối, mà sẽ tập trung hơn nữa để kiến tạo hệ sinh thái để trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngay trong quý I/2021, MoMo sẽ cung cấp giải pháp giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh phát triển kinh doanh.
Gần đây, MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 từ các nhà đầu tư thế giới, trong đó có các nhà đầu tư mới, bao gồm Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, cùng các cổ đông hiện hữu là Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư sẽ được dùng để xây dựng nền tảng super app mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh.
Đồng thời, đại diện MoMo cho biết, ví điện tử này sẽ ra mắt Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo MoMo nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng lớn của MoMo. Không dùng lại ở đó, kế hoạch IPO trên thị trường chứng khoáng cũng đang được MoMo ấp ủ. Với những động thái trên, giới phân tích kỳ vọng, trong tương lai không xa, MoMo sẽ trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam, sau VNPay và VNG.