Hệ thống cảnh báo của EU đã đưa 4 thông báo đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. |
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, trong tháng 10/2021, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được 4 cảnh báo trên Hệ thống cảnh báo An toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Đó là cảnh báo số 2021.5398 ngày 7/10 với sản phẩm quả chôm chôm. Mối nguy là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gồm: Imidacloprid là 0,015 mg/kg; Cypermethrin 0,015 mg/kg; Thiamethoxam 0,011 mg/kg; Clothianidin 0,019 mg/kg; Phenylphenol 0,021 mg/kg và chất cấm Permethrin 0,93 mg/kg, Profenofos 0,029 mg/kg ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo Chỉ thị số 91/414/EEC. Biện pháp thực hiện là Italy thông báo cho cơ quan chức năng.
Nhà xuất khẩu chôm chôm là Công ty Xuất nhập khẩu và Dịch vụ thương mại Khang An, địa chỉ số 210, Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3, TP.HCM. Mức độ rủi ro là không xác định.
Cảnh báo số 2021.5783 ngày 26/10/2021 với sản phẩm mộc nhĩ khô. Biện pháp thực hiện là Đức thu hồi sản phẩm trên thị trường; lô hàng số MHD 30.01.2023; khối lượng 700 kg. Nhà xuất khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hanofood, địa chỉ tại 47 đường Chương Dương, Hải Dương. Mối nguy là phát hiện dư lượng Chlorpyrifos ở mức 0,24 ± 0,12 ppm. Theo Chỉ thị số 91/414/EEC sửa đổi, quy định (EU) 2020/1085 quy định mức dư lượng tối đa Chlorpyrifos đối với sản phẩm trên là 0,01 ppm. Mức độ rủi ro là nghiêm trọng.
Cảnh báo số 2021.5861 ngày 27/10 với sản phẩm hạt tiêu đen 3mm, tên tiếng anh “Black Pepper Pinheads 3mm”. Biện pháp thực hiện là Tây Ban Nha từ chối nhập tại cửa khẩu; lô hàng số 48003G212701 với khối lượng 25kg.
Nhà sản xuất là Công ty TNHH Synthite Việt Nam, địa chỉ ấp Bưng Riềng, Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Mối nguy là phát hiện dư lượng Chlorpyrifos ở mức 0,035±0,018 ppm.
Theo Chỉ thị số 91/414/EEC sửa đổi, quy định (EU) 2020/1085 quy định mức dư lượng tối đa Chlorpyrifos đối với sản phẩm trên là 0,01 ppm. Mức độ rủi ro là không xác định.
Cuối cùng là cảnh báo số 2021.5839 ngày 28/10 với sản phẩm bột quế. Biện pháp thực hiện là Italy thông báo lưu ý; lô hàng số: LOTTO 4069. Nhà xuất khẩu là Công ty Cổ phần Visimex, địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà Gemadept, Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
RASFF cho rằng, mối nguy là phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus ở mức 16.000 CFU/g. Theo Quy định của (EU)178/2002, (CE) 882/2004, (CE) 854/2004 mức cho phép tối đa 1.000 CFU/g. Mức độ rủi ro là nghiêm trọng.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản rà soát, kiểm tra và yêu cầu các nhà sản xuất có sản phẩm nêu trên rà soát các khâu trong chuỗi quản lý để xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, đề nghị các đơn vị gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Liên quan đến những cảnh báo đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam, Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu, thực thi các hiệp định thương mại tự do. Trên thực tế cho thấy, khi tham gia hội nhập, các nước khác vẫn có những vi phạm, bị cảnh báo, thì điều này là bình thường. Điều quan trọng là doanh nghiệp cố gắng tối đa không vi phạm.
Số liệu của Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho hay, trong tháng 10/2021, trên Hệ thống cảnh báo RASFF có trên 400 thông báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó các vi phạm về ô nhiễm vi sinh vật: 128; mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: 93, độc tố nấm mốc: 30, dư lượng thuốc thú y: 03 và những vi phạm khác.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Đối với các sản phẩm trái cây, gia vị cần kiểm soát và sử dụng đúng quy định các hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất và chế biến như nguồn nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…