Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dự kiến tăng lãi suất trong năm nay
Đây là thông tin được Reuters đăng tải sau khi trích dẫn 9 nguồn thạo tin về Ngân hàng Trung ương châu Âu - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã triển khai kế hoạch gỡ bỏ gói kích thích kinh tế với tốc độ chậm nhất có thể trong năm nay. Nhưng tình hình lạm phát gia tăng đang gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách của Eurozone cân nhắc chấm dứt chặng đường thử nghiệm kéo dài gần một thập kỷ với những chính sách hỗ trợ khác thường.
Nguồn tin của Reuters cho biết, trở ngại lớn đến nay là các dự báo dài hạn vẫn cho rằng lạm phát sẽ giảm xuống dưới chỉ tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu, trong khi các ước tính mới được cập nhật đến các nhà hoạch định chính sách tại cuộc họp ngày 14/4 lại chỉ ra rằng lạm phát năm 2024 có thể sẽ vượt chỉ tiêu 2%.
"Nó (lạm phát) chỉ là hơn 2% nên theo cách hiểu của tôi, tất cả các tiêu chí để tăng lãi suất hiện đã được đáp ứng", một nguồn tin giấu tên của Reuters nói.
Các thành viên Hội đồng Thống đốc từ lâu đã chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đánh giá thấp lạm phát, vốn đã đạt 7,5% vào tháng 3 và họ coi dự báo mới là một bước thừa nhận thực tế.
"Khi (chuyên gia kinh tế trưởng) Philip Lane trình bày các con số ước tính, mọi người đã vỗ tay", một nguồn tin khác của Reuters cho hay.
Hiện vẫn chưa có đề xuất chính sách nào được đưa ra và từ nay đến cuộc họp tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 9/6 vẫn còn hơn một tháng nữa.
Cuối tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde cho rằng, hoạt động mua vào trái phiếu cần được kết thúc sớm vào quý III tới và khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong năm nay.
Sẽ có 3 đợt tăng lãi suất?
Hầu hết trong số 9 nguồn tin của Reuters đều cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiến hành ít nhất 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay, nhưng một số người khác cho rằng điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng mà thị trường có thể "tiêu hóa" các động thái đó.
Lãi suất ước tăng khoảng 85 điểm cơ bản trong năm nay và với hơn 3 đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, lãi suất huy động sẽ tăng từ mức -0,5% và lần đầu tiên trở lại mức dương kể từ năm 2014.
Với việc tung ra các gói kích thích kinh tế kéo dài, Ngân hàng Trung ương châu Âu lâu nay lập luận rằng đó chỉ đơn thuần là bình thường hóa chính sách, là một khái niệm không xác định và không có các tham số thiết lập.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu nói với Reuters rằng bình thường hóa có nghĩa là quay trở lại mức lãi suất trung lập, không kích thích hoặc kìm hãm tăng trưởng. Họ sẽ đẩy lãi suất lên ngưỡng từ 1 - 1,25%, cao hơn từ 150 đến 175 điểm cơ bản so với mức hiện nay.
"Đạt mức lãi suất này (1 - 1,25%) vào cuối năm 2023 có thể là điều hợp lý", một nguồn tin khác của Reuters nhận định.
Tuy nhiên, lãi suất chỉ có thể tăng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu chấm dứt việc mua trái phiếu và tất cả 9 nhà hoạch định chính sách giấu tên đều khẳng định điều này sẽ xảy ra vào ngày 30/6 hoặc ngày 1/7.
Lần gần nhất mà Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất là vào năm 2011 - thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, một động thái được nhiều người cho rằng là sai lầm chính sách lớn nhất của cơ quan này cho đến nay.
Trong khi đó, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Mỹ dự kiến tăng lãi suất thêm 250 điểm cơ bản trong năm nay với vài đợt tăng 50 điểm cơ bản trong một số cuộc họp chính sách.
Thế nhưng, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng lộ trình tăng lãi suất của Mỹ có thể đã thay đổi hoàn toàn sau khi Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kể từ cuối tháng 2.