EVFTA đem lại cơ hội lớn khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0%. |
Làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng, phát triển trong hội nhập là vấn đề được đưa ra tại hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 26/6.
Không chỉ là thị trường rộng mở mà còn "thay da đổi thịt"
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Dương Quốc Thái, CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng tiếp cận những thị trường xuất khẩu lớn. Cụ thể, CPTPP với 11 nước thành viên là một thị trường lớn với hơn 40 triệu dân, GDP chiếm trên 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ đồng. Các thị trường vẫn còn tiềm năng rất lớn nhập khẩu là Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico…
Đối với thị trường châu Âu, EVFTA sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. EVFTA và CPTPP sẽ giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
Bên cạnh mở rộng thị trường, các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy xuất khẩu do chính sách miễn giảm thuế. Cụ thể, nông lâm sản khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP với thuế suất phổ biến từ 5 – 10% hiện nay sẽ được hạ xuống 0%, trước mắt là khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Một số sản phẩm thuỷ sản như cá tra, cá ba sa, hoặc gạo sẽ được hưởng thuế xuất bằng 0% khi xuất khẩu sang Mexico, Canada.
Trong khi đó, EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: Gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam "thay da đổi thịt".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam "thay da đổi thịt". |
Tác động của các hiệp định là tác động trực tiếp từ các cam kết mở cửa thị trường và thể hiện thông qua xuất nhập khẩu. Hội nhập sẽ tạo việc làm để người lao động chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác trên cơ sở mở rộng thị trường. Tác động đến nông nghiệp quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm ở các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân. “Nếu 60 – 70% người dân làm nông nghiệp thì kinh tế Việt Nam khó có thể phát triển” – ông Thái nhấn mạnh.
Khi ra nhập 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam sẽ có lợi thế cao khi thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, điển hình là Nhật Bản. Thực tế hiện nay, Nhật Bản đã đầu tư trồng gừng, bưởi, chăn nuôi gà ở Nghệ An, trồng rau quả sạch ở Lâm Đồng… rồi xuất khẩu hàng hoá trở lại chính quốc.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng tốt từ nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới, thuỷ sản mà Việt Nam không có.
Bức tranh không chỉ màu hồng
Bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định thương mại tự do được dự báo sẽ tác động lớn các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho hay, khi tham gia CPTPP và EVFTA, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, nhất là đối với nông sản nhập khẩu. Cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép/VISA xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết cũng sẽ không xoá bỏ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và kiểm dịch động thực vật (SPS)… Bên cạnh đó, hội nhập sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các nông sản nhập khẩu từ EU – CPTPP. Đồng thời, chi phí sản xuất cũng như chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, bảo vệ môi trường…) đều sẽ tăng.
Theo Phó Viện trưởng Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu là do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm. Quy định về an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc của các nước nhập khẩu sẽ ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế.
Việt Nam cũng sẽ phải bảo đảm tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động (đặc biệt là vấn đề lạm dụng lao động trẻ em cần bảo đảm cam kết quốc tế), minh bạch hoá thông tin…
"Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vấn đề lao động và bình đẳng giới", ông Trần Công Thắng nêu.