Thời sự
FDI vào Quảng Ninh: Đánh thức lợi thế biển
Nguyên Đức - 27/03/2013 00:00
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng với tiềm năng, lợi thế như một Việt Nam thu nhỏ, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thu trái ngọt trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
TIN LIÊN QUAN

Thu trái ngọt FDI

Cách đây đúng 10 ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu và Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư Tổ hợp Khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh. Theo đó, Amata dự kiến đầu tư Tổ hợp Khu đô thị - công nghiệp khoảng 7.000 ha tại khu vực thị xã Quảng Yên hoặc phường Đại Yên (TP. Hạ Long). Đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông đã sang Thái Lan để thảo luận về sự hợp tác này.

Trong khi đó, cũng chỉ cách đây ít ngày, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA) đã trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Đường dẫn cầu Bắc Luân II theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Chế tạo thiết bị điện Phong Trạch - Quảng Đông (Trung Quốc), Tập đoàn Đầu tư phát triển An Đức - Quảng Tây (Trung Quốc) và Công ty TNHH Sanshe Australia PTY (Australia).

Quảng Ninh sẽ trở thành một trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ảnh: Đức Thanh

Đây là dự án BT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư 44,72 triệu USD. Dự án có chiều dài toàn tuyến 3.499,15 m; quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự kiến, Dự án sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong tháng 3/2014, góp phần giải quyết một phần khó khăn về cơ sở hạ tầng cho Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến vùng biển này đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

“Hoạt động thu hút đầu tư của Quảng Ninh thời gian gần đây đã có nhiều khởi sắc”, ông Vũ Văn Hợp, Phó trưởng ban Thường trực IPA Quảng Ninh nói và cho biết, cùng với Dự án Đường dẫn cầu Bắc Luân II, IPA cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria, vốn đầu tư 500.000 USD; Cửa hàng KFC Kênh Liêm, vốn đầu tư 310.000 USD và Dự án Trung tâm thương mại và siêu thị Big C Hạ Long, vốn đầu tư 16,8 triệu USD… Chưa kể, Universal Filter Italiana (Italy), Công ty Giày Kobe (Nhật Bản)… cũng đã tới Quảng Ninh để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Những dự án đầu tư này có thể không lớn, nhưng theo ông Hợp, cũng đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút FDI của Quảng Ninh, kể từ sau khi tỉnh này tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn hồi tháng 2 năm ngoái.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho thấy, năm 2012, Quảng Ninh đã thu hút được 395,94 triệu USD vốn FDI. Trong số này, ông Phùng Danh Đài, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, lớn nhất là Dự án Nhà máy Sản xuất sợi Texhong, vốn đầu tư 300 triệu USD, của nhà đầu tư Texhong Ngân Long (Trung Quốc).

“Đây là dự án FDI đầu tiên, có số vốn lớn nhất mà tỉnh cấp chứng nhận đầu tư sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012. Đặc biệt, dự án này cũng được giải quyết về thủ tục hành chính trong thời gian nhanh nhất từ trước đến nay”, ông Đài nói và cho biết, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cùng với Texhong, năm ngoái, Quảng Ninh cũng đã đón Dự án Nhà máy Xay lúa mì của Công ty TNHH Xay lúa mì VFM-WILMAR (Singapore), vốn đầu tư 47,4 triệu USD. Chưa kể, hàng loạt nhà đầu tư như Hạ Long Marina (Đức); Mitsubishi Manufacturing, Shinwa Industrial, Nippon Steel Sumitomo Metal Products (Nhật Bản)... cũng đã đến Quảng Ninh để thiết lập những liên kết đầu tiên cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Tình hình thậm chí sẽ khả quan hơn rất nhiều, nếu hàng loạt dự án lớn, như Sân bay Vân Đồn, Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Vân Đồn, cầu Bạch Đằng..., với sự tham gia của các tên tuổi lớn như Joinus, Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc, Genting (Malaysia), SE (Nhật Bản), trở thành hiện thực.

Như vậy, Quảng Ninh đã có thể bắt đầu thu trái ngọt FDI.

Chăm cây từ gốc

Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính - vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm.

“Nếu như trước đây, mô hình thủ tục hành chính thực hiện từ dưới lên trên, thì nay, ở Quảng Ninh, đi theo hướng ngược lại: từ trên xuống. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, thông qua IPA và điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Theo đó, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng cũng do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Như vậy, Quảng Ninh đã tạo thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư trong cả khâu thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói và cho biết, Quảng Ninh đã xác định năm 2013 là Năm cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực. Đây chính là hai yếu tố rất cơ bản giúp Quảng Ninh có thể tăng cường thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

Nhưng cải cách thủ tục hành chính chỉ là một trong những bước đi quan trọng để Quảng Ninh “chăm cây từ gốc”, nhờ vậy mới có thể thu trái ngọt. Tỉnh này đã được Bộ Chính trị cho phép xây dựng thí điểm hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn và Móng Cái. Khi hai đặc khu này được xây dựng, Quảng Ninh sẽ có cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.

Trung tuần tháng 3/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tới Quảng Ninh để thảo luận với lãnh đạo tỉnh về việc xây dựng Đề án Xây dựng thí điểm Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu Kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái. Chi tiết chưa được tiết lộ, song theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, những cơ chế, chính sách ban đầu nhằm tạo lập và phát triển hai đặc khu này đã được Quảng Ninh đề xuất.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sát cánh cùng tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói như vậy.

Cùng với việc xây dựng đề án này, Quảng Ninh cũng đang tích cực phối hợp với tư vấn nước ngoài là Công ty McKinsey để hoàn thiện Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Với quy hoạch này, ông Đọc cho biết, Quảng Ninh muốn tập trung phát triển dịch vụ, du lịch, thay vì tập trung phát triển công nghiệp, với nòng cốt là than, như trước đây.

“Chúng tôi muốn xây dựng Quảng Ninh thành một trung tâm phát triển ra biển, một trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, tiêu biểu là Khu kinh tế Vân Đồn, với việc thiết lập đường bay quốc tế, sẽ trở thành một đặc khu kinh tế năng động trong tương lai, tạo lực đẩy cho cả vùng Bắc Bộ”, ông Đọc nói.

Có lẽ, cũng chính vì vậy, trong danh mục 32 dự án mà Quảng Ninh muốn thu hút đầu tư trong năm 2013 và giai đoạn 2013 - 2015, có một loạt dự án liên quan đến biển, như Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp, vốn đầu tư 4 tỷ USD; Dự án Khu du lịch sinh thái Vân Đồn, 250 triệu USD; Quần thể sân golf, khách sạn cao cấp 5 sao Vân Đồn, vốn đầu tư 1.792 tỷ đồng…

Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, để tạo nền tảng cho thu hút đầu tư vào tỉnh này, như Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng cảng biển Hải Hà, vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; Dự án Xây dựng Khu công nghiệp và dịch vụ đầm Nhà Mạc, vốn đầu tư 2-3 tỷ USD; Dự án Khu phi thuế quan, Khu công nghiệp sạch ở Vân Đồn, vốn đầu tư 1,3 - 1,5 tỷ USD…

Tin liên quan
Tin khác