Chuyển đổi số - Kinh tế số
Fintech bùng nổ và cuộc đua một mất, một còn
Hà Tâm - 05/01/2021 09:35
Số lượng giao dịch cao kỷ lục, kỳ lân đầu tiên hình thành, nhiều loại hình mới sắp được cấp phép thử nghiệm…, sức nóng của thị trường cũng báo hiệu một cuộc thanh lọc khốc liệt sắp diễn ra.

Kỳ lân đầu tiên và những kỷ lục Năm 2020 đã ghi nhận những kỷ lục và tin vui hiếm có cho thị trường fintech Việt Nam. Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA 2020 của Google và Temasek

(Singapore) phát hành tháng 11/2020 khẳng định, VNPay (công ty con của VNLife) đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ.

Đây là kỳ lân thứ hai tại Việt Nam (sau VNG), nhưng là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực fintech. Bắt tay với hàng chục ngân hàng Việt Nam xây dựng các ví điện tử sử dụng mã QR để thanh toán, VNPay đã thu hút hơn 15 triệu khách hàng hoạt động hàng tháng.

Không kém cạnh, năm 2020, ví điện tử MoMo cũng khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố sở hữu hơn 20 triệu khách hàng cá nhân. Đây là con số mơ ước của mọi fintech và cả ngân hàng, bởi ngay cả với những ngân hàng lâu đời nhất thị trường, số khách hàng cá nhân hiện cũng chỉ đạt trên 10 triệu. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 5 năm qua, lượng khách hàng cá nhân của ví điện tử này đã tăng gấp 40 lần.

Trong 3 - 5 năm tới, chỉ còn 2 - 3 ví điện tử có thể tồn tại

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thị trường ví điện tử tăng trưởng vượt bậc. Trước dịch, ví MoMo chỉ có 10 triệu khách hàng, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch bùng phát, chúng tôi đã có thêm 10 triệu khách hàng.

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường thanh toán đang có quá nhiều ví điện tử, trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch.

Theo quan điểm của tôi, tại một thị trường như Việt Nam với dân số hơn 97 triệu dân, trong vòng 3 - 5 năm tới sẽ chỉ còn 2 - 3 ví có thể tồn tại được. Những ví nhỏ sẽ phải tìm thị trường rất riêng biệt, nhỏ hơn để tồn tại.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo

Cùng với VNPay và Momo, hàng loạt ví điện tử khác đã góp phần làm nên cuộc cách mạng mới về thanh toán số khi lượng giao dịch qua kênh này bùng nổ. Kênh thanh toán qua điện thoại di động tăng trưởng 124 - 125% cả về số lượng và giá trị. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, ví điện tử đang là dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua với số lượng thanh toán tăng vượt bậc.

“Dù giá trị giao dịch còn kém xa ngân hàng, song số giao dịch tại các ví điện tử đã gần tương đương lượng giao dịch của các ngân hàng. Đây là điều chưa từng xảy ra”, ông Dũng cho hay. 

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cùng sự trỗi dậy của fintech đã khiến lĩnh vực này trở thành thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư. Theo tính toán của Forbes, năm 2020, thị trường fintech Việt hút được khoảng 7,8 tỷ USD bằng nhiều thương vụ mua bán, rót vốn, cao gần gấp đôi năm 2017. Trong đó, trường hợp tiêu biểu nhất là kỳ lân VNPay với mức nhận đầu tư lên đến 300 triệu USD từ SoftBank’s Vision Fund và GIC. Đây là con số kỷ lục mà một fintech nhận được, đồng thời giúp VNPay trở thành kỳ lân. Tiếp đó, là MoMo với mức đầu tư 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, sự bùng nổ của các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường và các hình thức này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

“Thị trường thanh toán điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự tham gia của các tổ chức phi tài chính. Các công ty fintech được dự đoán sẽ ngày càng bùng nổ. Thu hút vốn đầu tư vào fintech của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong ASEAN (98% thuộc về lĩnh vực thanh toán). Những đối thủ mới này là động lực thúc đẩy các ngân hàng, đồng thời tạo nhiều cơ hội hợp tác để mở rộng quy mô và độ phủ”, ông Hưng nói.

Thêm loạt tân binh, cuộc chơi ngày càng sôi động

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 130 fintech trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng gấp 3 lần về số lượng của năm 2017. Trong đó, thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% tổng số lượng start-up fintech.

Tuy nhiên, con số này được dự báo còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, khi có rất nhiều chính sách hỗ trợ sắp được ban hành hoặc sắp có hiệu lực. Đơn cử, từ ngày 5/3/2021, xác thực điện tử (eKYC) chính thức có hiệu lực…

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong quý I/2021, cơ quan quản lý sẽ ban hành quy định về chuyển đổi số của ngân hàng, sau khi chiến lược chuyển đổi số quốc gia được ban hành. Đồng thời, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ ban hành khung pháp lý thử nghiệm cho P2P lending (cho vay ngang hàng), đề án thí điểm mobile money (thanh toán di động), các quy định về tiền điện tử, đại lý ngân hàng…

Cần thí điểm hoặc thiết lập cơ chế sandbox cho các ứng dụng công nghệ mới

 Bên cạnh mô hình ngân hàng truyền thống, các trung gian thanh toán phi ngân hàng đã, đang và tiếp tục là điểm sáng của thị trường.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần thí điểm hoặc thiết lập cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các ứng dụng công nghệ mới. Cơ quan quản lý cần xây dựng một số nguyên tắc như phạm vi triển khai, nới lỏng các quy định pháp lý, các biện pháp để đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống tài chính quốc gia.

Sau khi hoàn thành thử nghiệm trong môi trường sandbox, đơn vị thử nghiệm có thể được cho phép triển khai thí điểm trong phạm vi rộng hơn, với điều kiện kết quả thử nghiệm thỏa mãn mục tiêu đề ra từ ban đầu và đơn vị có thể đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý liên quan.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Hiện tại, không ít fintech đang ấp ủ đưa ra các ví điện tử hay các hình thức thanh toán mới. Ông Lê Tánh, Tổng giám đốc VNPay cho hay, sau 2 năm nghiên cứu, năm 2021, VNPay sẽ tung ra thị trường hệ thống ví điện tử mới dựa trên nền tảng blockchain.

Trong khi đó, Viettel hay VNPT đang ngóng chờ từng ngày để được cấp phép mobile money. Nhiều fintech khác như Grab, Be Group cũng đang nuôi tham vọng lấn sân sâu hơn vào thị trường tài chính bằng việc gấp rút triển khai xây dựng ngân hàng số.

Thế nhưng, càng nhiều tân binh xuất hiện, càng nhộn nhịp, thị trường càng cạnh tranh khốc liệt. Hiện Việt Nam có hơn 97 triệu dân, nhưng trên thị trường có tới 37 ví điện tử của các trung gian thanh toán, chưa kể ví điện tử của các ngân hàng. Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân, nhưng chỉ có vài ví điện tử chi phối.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nexttech Group cho rằng, hậu quả của sự phân mảnh như hiện nay là sẽ có một cuộc thanh lọc diễn ra trong lĩnh vực ví điện tử.

“Thị trường ví điện tử trăm hoa đua nở, nhưng đa phần chỉ mang tính đầu cơ, chạy theo cơn sốt, thành lập chỉ để bán cho nhà đầu tư ngoại, chứ không có hướng đi rõ ràng, bền vững. Sự tồn tại quá nhiều ví điện tử là không cần thiết. Tôi cho rằng, 80% ví điện tử sẽ biến mất trong vòng 5 năm tới, thị trường sẽ chỉ còn khoảng 5 ví có sản phẩm khác biệt, tạo được lưu lượng lớn hoặc có hệ sinh thái hỗ trợ”, ông Bình nhận định.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng đánh giá, bắt đầu từ năm 2021, sau giai đoạn bùng nổ, thị trường ví điện tử nói riêng và fintech nói chung sẽ bắt đầu có các cuộc chạy đua về thành lập hệ sinh thái số, đồng thời thanh lọc lẫn nhau. Những ví điện tử, fintech na ná giống nhau sẽ phải tìm hướng đi mới, xây dựng nên những “siêu ứng dụng” để tồn tại, nếu không muốn lao vào cuộc đua đốt tiền lãng phí.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, các ví điện tử, các fintech chỉ có thể tồn tại lâu dài nếu có lượng người dùng thường xuyên đủ lớn. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những ví điện tử, những fintech hàng triệu người dùng, đây là tiền đề để các fintech này bắt tay với đối tác, xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh để phục vụ khách hàng.

TS. Nguyễn Thanh Bình, giảng viên Đại học RMIT cho rằng, để chiến thắng trong cuộc đua sống còn, ví điện tử cần cân bằng việc tăng trưởng quy mô người dùng với triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Họ cần phát triển hệ sinh thái đem lại giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng thu hút và khiến người dùng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ sử dụng. Nói cách khác, các ví điện tử cần phát triển thành siêu ứng dụng, cung cấp nhiều dịch vụ đi kèm, thay vì chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán như hiện nay. Thực tế, Alibaba hay Tencent thành công là cũng nhờ cung cấp cho người dùng dịch vụ tài chính tổng thể, không chỉ thanh toán, mà còn cho vay, quản lý tài sản, bán bảo hiểm… Tất nhiên, để làm được điều này cần sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Tin liên quan
Tin khác