Chuyển động thị trường
Forbes 2017 và vai trò của bất động sản trong nền kinh tế
Lam Phong - 03/04/2017 16:58
Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2017, trong đó bất động sản vẫn là ngành đứng trong Top 3 “cái nôi” sản sinh ra các tỷ phú đô la. Hãy cùng xem cách thế giới nhìn nhận thế nào về vai trò của các tỷ phú bất động sản, của thị trường bất động sản với nền kinh tế.

Năm kỷ lục

2017 là năm kỷ lục đối với những người giàu có nhất hành tinh, khi số lượng tỷ phú tăng 13%, lên 2.043 người so với 1.810 người năm ngoái. Đây là lần đầu tiên danh sách tỷ phú của Forbes có trên 2.000 người kể từ khi bảng xếp hạng này được tiến hành cách đây 31 năm.

Bất động sản có tác động tương hỗ với nhiều ngành khác như dịch vụ, du lịch…
Các doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản đã xây dựng nên những công trình mang tính chuyên nghiệp, thay đổi diện mạo, tạo dựng hình ảnh về một đất nước đang phát triển mạnh mẽ

Trong danh sách năm nay, khối tài sản của những đại gia này tăng 18%, lên 7,670 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, số lượng tỷ phú giàu có hơn vượt trội hơn hẳn so với những người nghèo đi, với con số gấp 3 lần.

Trong danh sách năm 2017 của Forbes, có 195 gương mặt mới. Trong số đó, Trung Quốc Đại lục đóng góp 76 người, số lượng nhiều nhất và vượt trội so với các quốc gia khác. Mỹ là đất nước đứng thứ hai với 25 tỷ phú mới.

Bên cạnh đó, có thêm 15 nữ tỷ phú tự thân mới, trong đó có tới 14 người tới từ châu Á. Cụ thể, 10 người tới từ Trung Quốc và nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà chủ của VietJet Air.

Như vậy, Việt Nam lần đầu có 2 tỷ phú góp mặt trong danh sách Forbes 2017, là Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng và người sáng lập kiêm CEO Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo.

Diện mạo đô thị Việt Nam thay đổi lớn tích cực với các đại dự án của các chủ đầu tư trong và ngoài nước
Thế giới nhìn nhận ra sao về bất động sản?

Tháng 12/2016, Forbes tiến hành một khảo sát nhanh để tìm hiểu cách 400 tỷ phú giàu nhất trên thế giới đã kiếm tiền bằng cách nào. Theo đó, trong danh sách Forbes 400, chỉ 127 người thừa hưởng khối tài sản hàng tỷ USD. Những người còn lại (273), không may mắn như vậy, đã thực hiện theo chiến lược thông dụng nhất: tự mình kiếm tiền.

Và trong rất nhiều lĩnh vực, Forbes đã liệt kê Top 10 cách các tỷ phú xây dựng nên khối tài sản của mình. Không có gì ngạc nhiên khi bất động sản nằm ở vị trí thứ ba, sau đầu tư tài chính và công nghệ.

Trên toàn cầu, bất động sản là một trong những lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhất tại một số nền kinh tế, đồng thời là một trong các thước đo đo lường sự phát triển của kinh tế - xã hội. Đây là lĩnh vực phản chiếu khả năng tồn tại và phát triển bền vững của nền kinh tế, cũng như mức sống của người dân.

Tại Việt Nam, Forbes 2017 được công bố trong bối cảnh cuộc tranh luận về vai trò của thị trường bất động sản, vai trò của những ông chủ đi lên bằng kinh doanh bất động sản đối với sự phát triển của nền kinh tế đang diễn ra sôi nổi.

Trong đó, có một số quan điểm cho rằng bất động sản không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài, bởi không đóng góp bao nhiêu vào tăng trưởng chung trong khi thâm lạm lớn nguồn lực đất đai và tín dụng. Những quan điểm này thường khu biệt lĩnh vực bất động sản chỉ tính từ khâu công trình hoàn thiện và được bán cho người mua lần đầu và các lần tiếp theo, còn nhà ở nói chung, kể cả nhà ở dân cư, chung cư, biệt thự đầu tư… được tính vào lĩnh vực xây dựng. Từ đó đi đến kết luận rằng bất động sản đóng góp rất thấp vào tăng trưởng kinh tế chung, chẳng hạn như năm 2016, lĩnh vực bất động sản chỉ đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của GDP là 6,21%.

Trên thực tế, lĩnh vực bất động sản được coi là khởi đầu của một chuỗi kinh doanh, từ xây lắp, vật liệu, du lịch, nghỉ dưỡng… và tham gia vào hầu hết các ngành kinh tế khác. Các chủ đầu tư - thành viên trọng yếu của thị trường
bất động sản - cũng không bao giờ chỉ “cắt khúc” kinh doanh bắt đầu từ khi công trình hoàn thiện đến bán cho người mua. Đó là phần việc của các nhà môi giới, một trong những hoạt động cuối cùng của chu trình kinh doanh dự án bất động sản.

Nếu hiểu vấn đề theo hướng toàn diện đó thì sẽ thấy, các hoạt động kinh doanh và cuộc sống xã hội sẽ không thể thiếu dịch vụ của các công ty địa ốc thương mại, bao gồm việc chuẩn bị văn phòng, cửa hiệu, nhà máy và rất nhiều dạng thức bất động sản khác. Lĩnh vực bất động sản thương mại phân phối và quản lý các cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho doanh nghiệp là một trong những động lực cơ bản đối với tăng trưởng việc làm và nền kinh tế. Đồng thời có đóng góp chính trong việc giải quyết 2 thách thức lớn: cung cấp nơi sinh sống đầy đủ chức năng cho sự phát triển của dân chúng, nhất là với khu vực thành thị và giảm thiểu những tác động tới môi trường thiên nhiên trong quá trình xây dựng môi trường sống.

Không riêng ở Việt Nam hay các thị trường mới nổi, mà tại nhiều nền kinh tế phát triển cũng đã diễn ra những cuộc tranh cãi gay gắt về vai trò của bất động sản đối với tăng trưởng kinh tế.

Trên thế giới, cuộc tranh luận về vai trò của thị trường bất động sản chỉ lắng xuống khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bùng phát, mà khởi đầu là cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà đất Mỹ, cho thấy rằng nếu không thực sự coi trọng và duy trì sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản thì nền kinh tế chung sẽ bị ảnh hưởng lớn như thế nào.

Năm 2016, Hiệp hội Các nhà phát triển bất động sản châu Âu (EPRA) và Tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp dịch vụ và giáo dục cho nhà đầu tư tại thị trường bất động sản INREV đã thực hiện một nghiên cứu về vai trò của
bất động sản tới nền kinh tế thực. Cuộc nghiên cứu đã đi đến kết luận: bất động sản có vai trò lớn trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, việc làm và duy trì sự phát triển bền vững.

“Lĩnh vực bất động sản cung cấp nền tảng cơ bản cho hầu hết lĩnh vực khác, giúp các đối tượng này có đầy đủ khả năng để phát triển hết sức mình”, báo cáo của EPRA khẳng định.

Theo báo cáo mới nhất của nhà tư vấn bất động sản có trụ sở tại London - Savills, giá trị của lĩnh vực bất động sản toàn cầu, bao gồm bất động sản thương mại và cư dân đã đạt 217.000 tỷ USD. Trong khi đó, GDP toàn cầu vào khoảng 80.000 tỷ USD.

Cần tôn vinh những người làm giàu bền vững và có trách nhiệm trên thị trường bất động sản
Mỹ và Trung Quốc sở hữu nhiều “nhà giàu bất động sản” nhất

Bất chấp tình hình bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu trong năm qua, các tỷ phú bất động sản trên toàn cầu vẫn xoay xở để làm tốt công việc của mình. Theo danh sách tỷ phú 2016 của Forbes, 22 gương mặt mới đã lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách, nâng tổng số tỷ phú bất động sản giàu nhất hành tinh lên con số 184 người.

Trong số đó, đa phần các tỷ phú bất động sản tới từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với số lượng 99 người (42 người từ Trung Quốc đại lục, 25 người từ Hồng Kông, 7 người từ Ấn Độ và 6 người từ Singapore). Đứng thứ hai là Mỹ, với 44 tỷ phú, quốc gia sở hữu số lượng “đại gia” bất động sản lớn nhất thế giới.

.
Tỷ phú bất động sản giàu có nhất trên thế giới, với khối tài sản 28,7 tỷ USD là Wang Jianlin - Vương Kiện Lâm. Ông hiện đứng thứ 18 trong danh sách tỷ phú của Forbes. Cái tên Wang Jianlin gắn liền với nhiều thương vụ đầy tham vọng, mà mới đây nhất là việc mua lại hãng phim Mỹ Legendary Entertainment và sáp nhập chuỗi rạp chiếu phim AMC Theatres.

Trước khi mở rộng sang địa hạt giải trí, Tập đoàn Dalian Wanda của ông là nhà phát triển bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc. Tháng 5/2016, Công ty đã đưa vào hoạt động chuỗi công viên giải trí Wanda City, lên kế hoạch mở thêm 15 khu công viên nữa tại Trung Quốc, 5 công viên tại nước ngoài. Trong tháng 9/2016, Wanda đã trở thành nhà thầu của công trình xây dựng tòa nhà cao nhất Chicago.

Tham vọng của Wang Jianlin là xây dựng một thương hiệu thực sự của Trung Quốc, với chất lượng tốt nhất và tuyên bố rằng, chuỗi khách sạn Wanda mang thương hiệu của mình sẽ còn sang trọng hơn Shangri-La, thương hiệu khách sạn hàng đầu châu Á, thuộc sở hữu của tỷ phú Malaysia Robert Kwok. Với việc đầu tư 2 tỷ USD tại Chicago và Beverly Hills, mức lớn hơn nhiều tại New York và San Francisco, Wang hy vọng sẽ có các khách sạn Wanda trong 30 thành phố lớn trên thế giới vào năm 2025, từ London đến Sydney.

Đứng ở vị trí thứ hai là tỷ phú Lee Shau Kee, hiện cũng là người giàu thứ hai Hồng Kông, với khối tài sản trị giá 21,5 tỷ USD, đứng thứ 31 trong danh sách chung của Forbes. Lớn lên trong một gia đình khó khăn, mà mức thu nhập chỉ đủ để được ăn thịt hoặc cá 2 lần mỗi tháng, Lee đã xây dựng sự nghiệp của mình bằng việc đầu tư bất động sản, tạo nên đế chế Henderson Land Development.

Trong số 20 tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới, 10 người tới từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương: 6 tới từ Hồng Kông,  2 tại Trung Quốc, Singapore và Malaysia đều đóng góp 1 người. 5 tỷ phú tới từ Mỹ và 4 người còn lại tại châu Âu.

Theo sau Wang Jianlin và Lee Shau Kee là tỷ phú người Đức Michael Otto, với khối tài sản 15,4 tỷ USD, đứng thứ 51 trong bảng xếp hạng chung. Hiện tại, Otto Group là tập đoàn bán lẻ qua internet lớn thứ hai trên thế giới, sau Amazon.com và sở hữu thương hiệu Crate and Barrel. Tuy nhiên, cha của Michael, ông Werner Otto, người sáng lập công ty gia đình này đã bắt đầu sự nghiệp tại lĩnh vực bất động sản và dịch vụ tài chính. Gia đình Otto đang sở hữu khoảng 8.300 căn hộ và 1,5 triệu feet vuông đất công nghiệp tại khu vực Toronto.

Donald Bren là tỷ phú bất động sản giàu thứ tư thế giới, với khối tài sản 15,1 tỷ USD, đứng thứ 54 trong bảng xếp hạng tỷ phú, đồng thời là tỷ phú bất động sản giàu nhất nước Mỹ. Công ty phát triển bất động sản của ông Irvine Company hiện sở hữu 110 triệu feet vuông đất tại khu trung tâm Southern California, sở hữu và quản lý hơn 500 tòa cao ốc văn phòng, hơn 40 trung tâm thương mại, 50.000 căn hộ, 3 khách sạn và vài câu lạc bộ golf. Chưa hết, Donald Bren còn tiến sâu hơn vào Thung lũng Silicon với dự án phát triển khu căn hộ, cửa hàng và văn phòng cho thuê tại Santa Clara, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

.
Bren còn sở hữu 97% cổ phần tại tòa nhà Met Life (Manhattan), điều mới được công bố vào năm 2015.

Một cái tên nổi tiếng khác của lĩnh vực bất động sản là tỷ phú Donald Trump. Có thể nói, đây là người nổi tiếng bậc nhất trong số các nhà phát triển bất động sản Mỹ, tuy nhiên, ông Trump không lọt vào Top 20 người giàu có nhất nhờ lĩnh vực này, đứng ở vị trí thứ 36 với khối tài sản 4,5 tỷ USD.

2 tỷ phú Việt Nam trong danh sách tỷ phú của Forbes là ông Phạm Nhật Vượng -Tập đoàn Vingroup và bà Phạm Phương Thảo - Vietjet Air đều xuất thân từ mảng bất động sản. Vingroup hiện là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh thành công khác như bán lẻ, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp. Còn bà Phạm Phương Thảo cũng đi lên từ bệ phóng bất động sản trước khi kinh doanh hàng không giá rẻ.

Có thể dễ dàng nhận thấy các doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản đã xây dựng nên những công trình mang tính chuyên nghiệp, thay đổi diện mạo, tạo dựng hình ảnh về một đất nước đang phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, khởi sự từ hoạt động kinh doanh bất động sản, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực một cách lành mạnh, tạo dựng nền tảng của những tập đoàn đa quốc gia mang thương hiệu Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác