Đầu tư
Formosa đẩy nhanh tiến độ vì lo... mất tiền
Nguyên Đức - 03/08/2014 08:25
Sau sự kiện 14/5, khả năng đưa lò cao thứ nhất đi vào hoạt động trong tháng 5/2015 là không thể. Nhưng Tập đoàn Formosa đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ Dự án Liên hợp thép Formosa, vì chậm ngày nào mất tiền ngày ấy.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bảo hiểm bồi thường 1 triệu USD cho Formosa
Sập giàn giáo tại dự án Formosa khiến 2 công nhân tử vong
Ưu đãi cho Formosa nằm trong khuôn khổ của luật pháp
"Chưa cần thiết" lập khu kinh tế đặc thù Formosa
Dự án Formosa đã hoạt động bình thường trở lại

Muốn đẩy nhanh tiến độ, vì... sợ mất tiền

Chưa hồi phục hoàn toàn việc thi công xây dựng Dự án Liên hợp Thép Formosa (Hà Tĩnh) sau sự cố ngày 14/5/2014, song trao đổi với Báo Đầu tư, ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng phụ trách Dự án Formosa cho biết, cả Tập đoàn bên Đài Loan lẫn Formosa Hưng Nghiệp Hà Tĩnh và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đều đang mong muốn đẩy nhanh tiến độ Dự án.

   
  Formosa đang muốn đẩy nhanh tiến độ Dự án Liên hợp thép ở Hà Tĩnh, vì sợ bị thiệt hại  

“Chúng tôi hy vọng, khoảng tháng 8, tháng 9, người lao động sẽ quay trở lại hoàn toàn”, ông Tường nói và cho biết, trước thời điểm ngày 14/5, khoảng 26.000 người tham gia thi công Dự án, nhưng hiện chỉ còn 19.000 người.

“Đáng lẽ, theo kế hoạch, thì vào thời điểm này, khoảng 30.000 người có mặt trên công trường. Mục tiêu tháng 5/2015 đưa lò cao số 1 đi vào hoạt động sẽ không đạt được. Tuy thời gian cụ thể chưa thể biết là bao giờ, nhưng chúng tôi muốn nhanh đưa Dự án vào hoạt động, vì với các dự án lớn như thế này, chậm ngày nào là thiệt hại ngày ấy”, ông Tường nhấn mạnh.

Thông tin từ Formosa cho biết, trong tổng vốn đầu tư 9,9 tỷ USD của Dự án, 3,5 tỷ USD là vốn chủ sở hữu. Hiện toàn bộ số tiền này đã được chuyển vào Việt Nam và giải ngân hết. Thậm chí, tính đến hết tháng 6/2014, khoảng 4,2 tỷ USD đã được đưa vào thực hiện.

Phần vốn còn lại (6,5 tỷ USD), theo ông Tường, Formosa sẽ vay thương mại từ các ngân hàng ở nước ngoài. Tuy nhiên, để chủ động nguồn vốn, Formosa cũng đã tính đến phương án vay 750 triệu USD từ các ngân hàng ở Việt Nam và việc vay vốn này sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối của việc triển khai xây dựng Dự án.

Dự án Liên hợp Thép Formosa và Cảng Sơn Dương Hà Tĩnh hiện là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Không chỉ dừng ở kế hoạch đầu tư 9,9 tỷ USD, Formosa cũng đã lên kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, để xây dựng thêm 4 lò cao sản xuất thép.

Lý giải về khoản vốn góp trong Dự án, ông Vương Văn Tường cũng cho biết, trong số các cổ đông của Dự án, ngoại trừ China Steel (nắm giữ 5% vốn) và Sunsco Enterprise (0,037%), thì tất cả đều là các công ty thành viên của Tập đoàn Formosa (Đài Loan). Chẳng hạn, Công ty Hóa dầu Formosa (14,75%), Công ty Nhựa Đài Loan (14,755), Công ty Nhựa Nam Á (14,75%); Formosa Plastic Corp., USD (16%)...

“China Steel là doanh nghiệp của Đài Loan chứ không phải của Trung Quốc. Cái tên này khiến nhiều người lầm tưởng. Vì thế, không hề có vốn Trung Quốc trong dự án này”, ông Tường nói và giải thích rằng, mời China Steel tham gia góp vốn vào Dự án là do đây là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thép nên sẽ hỗ trợ nhiều cho quá trình thực hiện Dự án.

Không cạnh tranh với sản xuất thép trong nước

Một trong những vấn đề luôn được đặt ra khi Dự án Formosa được xây dựng rầm rộ ở khu vực miền Trung, với quy mô rất lớn, đó là khiến cạnh tranh trên thị trường Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Vương Văn Tường, việc Dự án Thép Formosa đi vào hoạt động trong năm 2015 sẽ không gây cạnh tranh ở thị trường trong nước. Lý do là vì, Formosa không sản xuất thép xây dựng mà sẽ sản xuất các sản phẩm phôi vuông, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nóng thô, thép dây, thép gân...

Liên quan đến kế hoạch sản xuất thép tại Việt Nam, Formosa cũng đã từng đề nghị việc Việt Nam nến thiết lập một cơ chế bảo hộ ngành gang thép.

Cụ thể, nên thiết lập mức thuế quan 20% đối với việc nhập khẩu thép cuộn cán nóng. Cũng nên đưa thép cuộn cán nóng và thép dây vào mặt hàng có tính nhạy cảm cao trong hiệp định mậu dịch tự do. Đồng thời, có chế độ chứng nhận nhập khẩu bắt buộc đối với sản phẩm sắt thép và tăng cường những quy định liên quan đến thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, các đề xuất này của Formosa vẫn đang trong quá trình xem xét, bởi còn liên quan đến các quy định trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu theo quy định pháp luật hiện hành.

Hiện Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương báo cáo đánh giá tác động của Dự án Thép Formosa đối với thị trường thép của Việt Nam khi Dự án bắt đầu có sản phẩm.

“Việc đầu tư của Formosa tại Vũng Áng hoàn toàn là một quyết định mang tính kinh tế với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Tại thời điểm năm 2008, xét tổng thể các điều kiện, từ nhu cầu thị trường, chính sách ưu đãi của Chính phủ về thuế và đất đai, lợi thế cảng nước sâu Sơn Dương… đều rất thuận lợi, và chúng tôi đã quyết định đầu tư. Thị trường thép Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung theo đánh giá của chúng tôi là rất tiềm năng”, ông Tường một lần nữa khẳng định.

Cũng theo ông Tường, điều khiến ông rất cảm động, đó là trong suốt thời gian qua, quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là Formosa đăng ký đầu tư ở Việt Nam, sản xuất ở đây, nộp ngân sách và giải quyết việc làm ở đây, thì sẽ là doanh nghiệp của Việt Nam.

“Không có chuyện phân biệt doanh nghiệp nước ngoài, nước trong, tất cả đều được đối xử bình đẳng dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam. Chủ trương nhất quán như vậy khiến chúng tôi cảm thấy rất an tâm”, ông Tường nói và cho biết, Formosa cũng rất yên tâm đầu tư tại Việt Nam, bởi sau sự cố đáng tiếc ngày 14/5, Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh.

“Đó là sự cố không ai mong muốn. Nhưng khi nó đã xảy ra rồi, thì việc làm cần thiết bây giờ là làm sao để mọi chuyện tốt lên”, ông Tường khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác