FPTS được coi là một công ty chứng khoán có nhiều đặc tính riêng, bởi đây là công ty có thế mạnh về công nghệ nhờ sự hậu thuẫn của công ty mẹ là Tập đoàn FPT. Công ty này luôn cạnh tranh vị trí tốp 10 về thị phần môi giới trên cả 2 sàn Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HOSE) trong nhiều giai đoạn.
Tuy nhiên, có vẻ như sự cạnh tranh trong cuộc đua thị phần đang ngày càng gay gắt, cũng như việc phải chú tâm vào việc chuẩn bị cho lộ trình niêm yết, nên trong quý III/2016, FPTS đã “rớt đài” khỏi tốp 10 trên sàn HOSE.
FPTS sẽ niêm yết ngay trong năm 2016 |
Dù đại gia này vẫn tiếp tục trụ vững trên “võ đài” tốp 10 của sàn HNX và sàn UPCoM, nhưng việc rớt đài trên sàn HOSE chắc chắn sẽ khiến cho FPTS phải có những bước cải tổ sau khi hoàn tất việc đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Thời gian qua, để củng cố hình ảnh riêng trong thế mạnh về các ứng dụng công nghệ, công ty này tiếp tục tung ra những ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ cho các hoạt động giao dịch chứng khoán. Chẳng hạn, FPTS đã thực hiện cập nhật ứng dụng EzMobileTrading, bản cập nhật của FPTS cũng đã được Apple phê duyệt. Với ứng dụng này, nhà đầu tư có thể sử dụng hệ điều hành iOS đã có thể tải và cài đặt EzMobileTrading phiên bản cập nhật tại App Store.
Thực chất, việc rớt khỏi tốp 10 tại HOSE trong quý III cũng không phải tín hiệu xấu đối với đại gia này, vì tuy bị giảm về thị phần, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối thì doanh thu môi giới của công ty này vẫn tăng trưởng.
Theo kết quả hoạt động kinh doanh, lũy kế đến cuối quý III/2016, doanh thu thuần của FPTS đạt 204,86 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt trên 111 tỷ đồng. Riêng trong quý III, doanh thu thuần của FPTS đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận thậm chí có phần vượt trội với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 39 tỷ đồng, tăng hơn 10,5% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần 31,5 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là, lợi nhuận tăng vọt của FPTS trong quý III chủ yếu đến từ sự tăng trưởng doanh thu do hoạt động môi giới đem lại.
Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS, khi giải thích về những biến động trong các con số kinh doanh quý III của Công ty đã cho biết, tổng giá trị giao dịch của FPTS trong quý III năm nay đã tăng 5,64%, dẫn đến doanh thu môi giới chứng khoán tăng từ 20,94 tỷ đồng năm ngoái, lên mức 22,32 tỷ đồng trong năm nay.
Trong năm 2016, FPTS cũng được giới đầu tư chú ý khi đã có một số thay đổi về nhân sự chủ chốt, với việc có thêm một thành viên Hội đồng Quản trị người Nhật Bản là ông Shuzo Shikata. Đây là nhân tố mới duy nhất trong Hội đồng Quản trị của FPTS trong năm 2016 và cũng là thành viên duy nhất là người nước ngoài. Một số nhà quan sát cho rằng, đây có thể là bước chuẩn bị cho đại gia này trong việc chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, bởi thành viên mới trong Hội đồng Quản trị của FPTS là một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính.
Ông Shuzo Shikata đã từng làm việc tại Ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ,Ltd Nhật Bản từ năm 2003. Năm 2011, ông Shuzo Shikata được ngân hàng mẹ Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ,Ltd điều động đi Philippines đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch, Trưởng phòng Nhật Bản, Chi nhánh Manila của Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ,Ltd tại quốc gia này. Đến năm 2014, ông trở về Nhật để đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng - Ban doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2015, ông này về đầu quân cho Tập đoàn SBI Holding, Inc. Nhật Bản và được Tập đoàn này giao vị trí Trưởng phòng - Ban kế hoạch doanh nghiệp tại Công ty Chứng khoán SBI Securities, Co.,Ltd Nhật Bản.
Giới quan sát cho rằng, việc FPTS chọn niêm yết thời điểm hiện tại là quyết định khá khôn ngoan, bởi năm 2017 được dự báo là thời kỳ thuận lợi cho ngành chứng khoán. Từ đầu năm 2016, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 18%, Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo quy mô thị trường chứng khoán có thể sẽ tăng gấp 1,7 lần trong 2 năm tới.