Tiêu dùng
FTA - bệ phóng quan trọng cho xuất khẩu
Thế Hoàng - 15/09/2022 08:16
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi là bệ phóng quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 500 tỷ USD, xuất siêu gần 5,5 tỷ USD.
Đồ họa: Đan Nguyễn

Xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu kỳ 2 tháng 8 (từ ngày 16-31/8), với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 35,42 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 5,05 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 499,71 tỷ USD, tăng 68,69 tỷ USD so với cùng kỳ, xuất siêu 5,49 tỷ USD. Đây là con số khá bất ngờ so với mức 597 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và xuất siêu 3,96 tỷ USD được công bố hồi cuối tháng 8/2021. Như vậy, theo thống kê mới này, xuất siêu đã tăng thêm gần 1,5 tỷ USD.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu chục tỷ USD đạt mức tăng trưởng ấn tượng, các doanh nghiệp đều khai thác nhanh nhạy các FTA, các thị trường nhập khẩu vẫn chọn Việt Nam là địa chỉ cung ứng hàng hóa… là những lý do khiến xuất khẩu tiếp tục ghi điểm, vượt qua nhiều trở ngại như sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc, chi phí vận chuyển hàng hóa tới nhiều thị trường vẫn ở mức cao.

Điểm nhấn quan trọng là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn lên đường tới Mỹ, EU, Nhật Bản… đều đặn. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, tăng tới 24%; xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng Việt cũng rộng đường sang Mỹ, với kim ngạch 8 tháng xấp xỉ 78 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Theo Bộ Công thương, dù đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế thương mại khác, song xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường dệt may toàn cầu hồi phục sau dịch, đơn hàng từ đầu năm luôn đầy tải, giúp Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hoàn thành trên 70% kế hoạch doanh thu năm, lợi nhuận đã hoàn thành 120% kế hoạch cả năm. Còn ở phạm vi toàn ngành, dệt may đã mang về 31 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sau 8 tháng, với mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ.

Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho hay, điều hành kinh doanh trong bối cảnh đơn hàng nhiều hiện nay cũng không hề dễ dàng do biến động đảo chiều liên tục của thị trường bông, nên doanh nghiệp phải hết sức thận trọng, dự báo sát thị trường và có giải pháp tối ưu để đạt hiệu quả kinh doanh khả quan nhất.

“Các doanh nghiệp đã thực hiện quản trị chặt chẽ, chi phí tiết kiệm tối đa ở tất cả các khâu, luôn có tính toán cụ thể về ảnh hưởng của phương án kinh doanh, bán hàng, những thiệt hại trong trường hợp chạy máy không đạt công suất; chấp nhận rủi ro có cân nhắc, với mục tiêu quan trọng là giữ được lao động và khách hàng truyền thống…”, ông Hiếu chia sẻ.

Xuất khẩu gạo 8 tháng tăng tới 19% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, với 2,3 tỷ USD. Nhưng không chỉ có tăng trưởng, ngành này còn được nhắc tới nhiều khi liên tục có các lô hàng xuất khẩu đến được với chuỗi bán lẻ tại các thị trường cực kỳ khó tính, như châu Âu, Nhật Bản. Cùng với Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam đã ghi tên là quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên bản đồ thế giới. Giá xuất khẩu của các loại gạo thơm mà doanh nghiệp ký được đều từ 800 USD đến trên 1.000 USD/tấn.

Các thương hiệu gạo thơm Việt Nam đã liên tiếp vào các thị trường lớn. Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và EUTEK Group vừa ký kết phân phối độc quyền gạo Ông Cua ST25 tại thị trường Anh.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh của EUTEK Group, sau khi nhập lô hàng gạo Ông Cua ST25 đầu tiên vào thị trường Anh, tín hiệu phản hồi từ thị trường rất khả quan.

Mới nhất, Tập đoàn Lộc Trời đưa thành công gạo mang thương hiệu “Cơm Vietnam Rice” vào E.Leclerc - hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu của Pháp. Gạo của Lộc Trời vào được hệ thống siêu thị E.Leclerc bởi sản phẩm đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng, hương vị và giá cả.

Lợi ích từ các FTA lớn dần

Không chỉ xuất khẩu nhiều hàng hóa sang khu vực thị trường EU, các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay thị trường Anh..., các FTA thế hệ mới đang tạo dư địa lớn, giúp các ngành hàng được hưởng nhiều lợi ích hơn nhờ lộ trình giảm thuế.

Bộ Công thương tính toán, thông thường phải sau 3 năm thực thi, biên độ và mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Với EVFTA, đã qua 2 năm đầu thực thi; còn CPTPP đã bước sang năm thứ 4; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) đã thực hiện gần 2 năm; riêng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới có hiệu lực được 8 tháng. Do vậy, đây là thời điểm cực thuận lợi để ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định giá trị thương hiệu hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh biến động giá cả làm giảm tổng cầu thế giới.

Việc có FTA với trên 60 thị trường là điểm cộng quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan. Với việc đưa thành công gạo ST25 sang Anh, sắp tới, chiến lược phát triển của EUTEK Group là tập trung quảng bá để phân phối các sản phẩm gạo và đặc sản từ Việt Nam tại thị trường này.

Còn với Tập đoàn Tân Long, sau thành công đưa gạo ST25 vào Nhật Bản, Tập đoàn sẽ chuyển hướng sang châu Âu. Để củng cố năng lực sản xuất hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu, Tân Long Group đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất lúa gạo lên tới 1 triệu tấn/năm. Đây cũng là đơn vị vừa đưa vào vận hành nhà máy gạo Hạnh Phúc (tỉnh An Giang) với công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày; công xuất xay xát, chế biến đạt 1.600 tấn/ngày…

Năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng khi nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn xuống vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ vậy, chuỗi cung ứng tại Việt Nam được củng cố và là mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin liên quan
Tin khác