Thời sự
FTA thế hệ mới không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách
Mạnh Bôn - 15/04/2015 07:19
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương gọi là “FTA thế hệ mới”. Mặc dù là thế hệ mới, nhưng theo ông Khánh, việc tham gia các FTA này không ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc tham gia các FTA ảnh hưởng thế nào tới thu ngân sách, thưa ông?

Là quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng hơn 150% GDP, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tuy có tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước giảm từ 16,9% năm 2009 xuống còn 9,9% vào năm 2014 và dự kiến năm nay còn khoảng 9,2%, nhưng vẫn là nguồn thu vô cùng quan trọng của ngân sách nhà nước.

Khi đàm phán FTA, các nhà đàm phán luôn rất thận trọng trong việc đưa ra các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt là cắt giảm thuế mạnh trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu vẫn tăng liên tục, từ 105.600 tỷ đồng năm 2009 lên 129.900 tỷ đồng năm 2013. Năm 2014, xuất nhập khẩu đóng góp vào ngân sách 160.800 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2005 và năm 2015, xuất nhập khẩu dự kiến đóng góp vào ngân sách 175.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu vẫn tăng là nhờ việc cắt giảm thuế theo lộ trình. Nhưng với 2 FTA thế hệ mới, việc cắt giảm thuế được tiến hành “ngay và luôn” chắc sẽ tác động nhiều đến ngân sách?

Khác với 8 FTA mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết, FTA với EU và TPP yêu cầu xóa bỏ thuế nhập khẩu rất mạnh và phải thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Cụ thể, khi tham gia TPP, gần như 100% hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia TPP được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Tỷ lệ hàng hóa hưởng thuế nhập khẩu 0% khi ký kết FTA với EU cũng phải trên 90%.

Mặc dù phải xóa bỏ thuế nhập khẩu, nhưng tác động của 2 FTA này đối với số thu ngân sách không lớn lắm. Lý do là, trong số các nước tham gia TPP, chúng ta đã có quan hệ FTA với 7 nước, gồm Singapore, Malaysia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Australia và New Zealand, tức là thuế nhập khẩu từ các nước này đã cơ bản giảm xuống 0%.

Còn đối với 4 nước chưa có quan hệ FTA với Việt Nam (Hoa Kỳ, Canada, Mexico và Peru), thì chỉ có Hoa Kỳ và Canada có kim ngạch nhập khẩu đáng kể, song các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ 2 thị trường này lại chủ yếu có thuế suất 0%, nên tác động của TPP đối với thuế nhập khẩu từ 4 quốc gia trên cũng không lớn.

Khác với 8 FTA và gia nhập WTO, 2 FTA thế hệ mới đòi hỏi cắt giảm, bãi bỏ cả thuế xuất khẩu. Điều này chắc chắn tác động đến các doanh nghiệp?

EU và các nước thành viên TPP đòi hỏi phải cắt giảm thuế xuất khẩu vì cho rằng, thuế xuất khẩu là hình thức trợ giá gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước vì doanh nghiệp trong nước được mua nguyên vật liệu với giá rẻ hơn so với thị trường thế giới. Điều này không bảo đảm công bằng với doanh nghiệp nước ngoài do phải mua nguyên liệu đắt hơn vì hàng xuất khẩu phải chịu thuế.

Cắt giảm thuế xuất khẩu chắc chắn tác động không nhỏ tới doanh nghiệp trong nước, nhưng khi tham gia sân chơi chung, không còn cách nào khác là phải thực hiện.

Vậy việc cắt giảm thuế xuất khẩu có tác động nhiều tới nguồn thu ngân sách không, thưa ông?

Nền kinh tế Việt Nam hướng về xuất khẩu, các chính sách, cơ chế được ban hành cũng đều khuyến khích xuất khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng không coi việc tăng thu ngân sách làm mục tiêu trong đẩy mạnh xuất khẩu, mà mục tiêu chính của thuế xuất khẩu là bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và hạn chế xuất khẩu thô. Tuy nhiên, khi tham gia TPP và FTA với EU, Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế xuất khẩu thô và sử dụng tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả.

Với việc bỏ thuế xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước không còn được mua nguyên liệu đầu vào với giá rẻ, nên cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Đây là việc phải thực hiện, vì phù hợp với cơ chế thị trường. Khi doanh nghiệp trong nước phải mua nguyên liệu với giá thị trường, họ sẽ phải tính toán hiệu quả kinh tế chính xác hơn trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Và khi doanh nghiệp tính toán cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư, thì nguồn lực xã hội, tài nguyên thiên nhiên quốc gia được phân bổ hiệu quả hơn, công bằng hơn.

Ông có nghĩ rằng, tham gia 2 FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hút vốn trên thị trường thế giới?

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang sẵn sàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Họ sẵn sàng sở hữu cổ phiếu do doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Muốn thu hút được nguồn vốn nước ngoài, vấn đề là cần phải có nhiều sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu) thực sự hấp dẫn, đồng thời phải xây dựng các kịch bản có thể xảy ra khi nguồn vốn đầu tư gián tiếp đổ vào quá lớn hoặc rút ra quá mạnh, tạo ra những cú sốc, tác động xấu đến thị trường tài chính cũng như nền kinh tế nói chung.

Tin liên quan
Tin khác