Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Ảnh: AFP |
Khi gặp mặt các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị thượng đỉnh khai mạc ngày 26/6 ở Munich (Đức), Tổng thống Biden đã lên Twitter xác nhận các thông tin trước đó về lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga trong thời gian tới.
"Mỹ đã áp đặt các mức phí tốn kém chưa từng có đối với ông Putin để ngăn cản ông ấy tìm kiếm nguồn thu cần thiết cho cuộc chiến ở Ukraine", Tổng thống Biden nói vào sáng ngày 26/6.
"G7 sẽ cùng nhau tuyên bố rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang về hàng chục tỷ USD cho Nga", ông chủ Nhà Trắng cho biết.
Động thái trên của G7 sẽ bổ sung vào danh sách các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm mục đích cô lập và bóp nghẹt nền kinh tế Nga, trong đó chủ yếu cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và kinh doanh dầu khí với các ngân hàng và cá nhân Nga.
Đáng chú ý, trong tháng 2/2022, Mỹ, Canada và các đồng minh châu Âu đã nhất trí loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Cũng trong ngày 26/6, Chính phủ Anh xác nhận động thái cấm nhập khẩu vàng của Nga, đồng thời cho biết họ sẽ áp dụng đối với vàng mới khai thác và vàng tinh luyện, ngoại trừ vàng đến từ Nga mà đã được xuất khẩu.
Dữ liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy Nga hiện là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Còn theo hãng tin Reuters, lượng vàng Nga đang nắm giữ đã tăng gấp ba lần kể từ khi họ sáp nhập Crimea vào năm 2014. Vàng là tài sản quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương Nga trong bối cảnh điều kiện thị trường đang bị hạn chế.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ vào ngày 26/6 cho hay lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga sẽ được công bố vào ngày 28/6. Vị này cũng tiết lộ thêm rằng: "Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo G7 khác sẽ tiếp tục buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm".
Bất chấp các đòn trừng phạt chưa từng có mà phương Tây nhằm vào Nga, tuần trước đồng rúp đã tăng giá lên mức cao nhất trong 7 năm qua, sau khi rớt giá kỷ lục vào tháng 2. Cụ thể, đồng rúp tăng giá lên mức 52,3 rúp "ăn" 1 USD vào ngày 22/6, mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Mức tăng này được Điện Kremlin xem là "bằng chứng" cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây không có tác dụng.
Trên thực tế, đồng rúp đã tăng giá mạnh đến mức Ngân hàng Trung ương Nga đang cố gắng thực hiện các biện pháp để "hạ nhiệt" vì lo ngại đồng rúp tăng giá sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Nga kém cạnh tranh hơn.