Từ trái sang, Ngoại trưởng Nicu Popescu của Moldova, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio đi dạo qua khu vườn trong khuôn viên diễn ra cuộc họp các ngoại trưởng G7 ở thị trấn ven biển Wangels, miền bắc nước Đức vào ngày 13/5/2022. Ảnh: AFP |
Sau cuộc gặp tại lâu đài 400 năm tuổi bên trong khu nghỉ dưỡng ven biển Weissenhaus (Đức), các nhà ngoại giao cấp cao từ Vương quốc Anh, Canada, Đức, Pháp, Italia, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu cùng cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine cho đến "khi nào còn cần thiết". Cuộc họp có sự tham dự các ngoại trưởng của Ukraine và Moldova.
Tuyên bố chung ngày 14/5 của các nhà ngoại giao G7 cho biết họ cũng sẽ giải quyết những gì họ gọi là thông tin sai lệch của Nga nhằm đổ lỗi cho phương Tây về các vấn đề cung cấp lương thực trên thế giới do các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow và kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ Moscow hoặc biện minh cho cuộc chiến của Nga.
"Chúng ta đã nỗ lực đủ để giảm thiểu hậu quả của cuộc chiến này chưa? Đó không phải là cuộc chiến của chúng ta. Đó là cuộc chiến của Tổng thống Nga, nhưng chúng tôi có trách nhiệm toàn cầu", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp các ngoại trưởng G7.
Chìa khóa để gây thêm áp lực lên Nga là các nước thành viên EU cùng thực hiện cấm hoặc loại bỏ nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Theo đài CNBC, dự kiến EU sẽ đạt được thỏa thuận về cấm vận dầu mỏ Nga vào tuần tới, bất luận ở thời điểm này Hungary vẫn phản đối.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm bớt và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga càng nhanh càng tốt, dựa trên các cam kết của G7 để loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu than và dầu của Nga", tuyên bố của G7 nêu.
Các ngoại trưởng G7 cho hay họ sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga từ các thành phần kinh tế, các tổ chức chính quyền trung ương và quân đội, những nhân vật giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin "dẫn dắt cuộc chiến mà ông ấy lựa chọn".
Bên cạnh vấn đề an ninh lương thực, các ngoại trưởng G7 cũng lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể lan sang nước láng giềng Moldova.
"Nhiều người ở châu Phi và Trung Đông sẽ chết (vì thiếu lương thực - BTV) và chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi cấp bách: làm thế nào để người dân trên thế giới được cung cấp thức ăn? Mọi người tự hỏi bản thân điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có ngũ cốc mà chúng ta đã từng nhập khẩu từ Nga và Ukraine", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói.
Bà Annalena Baerbock cho biết rằng G7 sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp logistic để đưa các mặt hàng thiết yếu ra khỏi kho lưu trữ của Ukraine trước khi bước vào vụ thu hoạch tiếp theo.
Tâm điểm chú ý đang chuyển hướng sang việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO. Động thái khiến họ đối mặt với các mối đe dọa trả đũa từ Moscow và sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO có lực lượng quân sự lớn thứ hai trong liên minh này, chỉ sau Mỹ.
"Điều quan trọng là chúng ta phải có sự đồng thuận", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói với các phóng viên khi được hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.