Tại Diễn đàn Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép.
Theo đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho nông sản, gia tăng giá trị nông sản, là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương chính là hồn cốt để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, thúc đẩy ngành kinh tế xanh phát triển.
Hà Nội hiện có hơn 200.000 ha đất nông nghiệp, là sinh kế cho khoảng 4 triệu nông dân. Diện tích và cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến tích cực, giảm diện tích cây hàng năm có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, phù hợp với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái… Thông qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, góp phần đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Huyện Thạch Thất vốn là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về các giống cây ăn quả (hiện tại, huyện có gần 480 ha cây ăn quả với khoảng 300 ha bưởi), đáp ứng nhu cầu về vườn vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô. Nhiều chủ vườn bưởi đã đầu tư mở các điểm du lịch sinh thái, quán ăn miệt vườn phục vụ du khách.
Anh Đào Hồng Nam, chủ một nhà vườn tại Thạch Thất chia sẻ: “Nhờ tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu mà người dân trong huyện ngày càng có ý thức phát triển đa dạng các sản phẩm phục vụ du lịch như rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi, đường bưởi… Trong đó, sản xuất rượu bưởi mang lại nguồn thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu cho nhiều cơ sở, hộ dân ở địa phương”.
Trong năm 2023, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để tạo sự kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân tham gia quảng bá nông sản tại các phiên chợ, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước như: Tự hào nông sản Việt; Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội; Festival nông sản, sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố; Kết nối nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu…
Hà Nội cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt 20 - 50 tỷ đồng/năm.
Đây được xem là thế mạnh và tiềm năng của Thủ đô để phát triển nông nghiệp cũng như du lịch nông nghiệp - loại hình kết hợp được nhiều phân khúc khác nhau như du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề…, đồng thời khai thác được các lợi thế của địa phương về phong cảnh, văn hóa bản địa, phong tục tập quán, kỹ năng sống.
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua xuất khẩu và du lịch nông nghiệp, nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.
Để đạt được mục tiêu này, Thành phố tập trung triển khai một số giải pháp để gắn kết tiêu thụ nông sản với du lịch. Trong đó, xây dựng chiến lược và hệ thống đồng bộ gắn kết có hiệu quả giữa du lịch nông thôn với tiêu thụ nông sản. Tận dụng điều kiện hiện có (cảng hàng không quốc tế, các điểm du lịch sinh thái…) và xây dựng thêm các cơ sở mới để tăng cường tiêu thụ nông sản thông qua xuất khẩu và du lịch.
Bên cạnh đó, xác định đúng, đủ các loại nông sản mang đặc trưng và thế mạnh của Hà Nội, phù hợp với việc tiêu thụ thông qua xuất khẩu và du lịch, nhất là du lịch nông thôn. Điển hình như các loại trái cây đặc sản, gạo hữu cơ, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP 5 sao…
Đặc biệt, phấn đấu đưa các điểm du lịch nông thôn và các điểm đón khách du lịch nói chung trở thành một điểm kết nối giao thương trong tiêu thụ nông sản.