Đây không phải lần đầu tiên, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phải nhắc đến đề nghị này khi tham gia góp ý cho các dự thảo văn bản của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề nằm ở chỗ, Dự thảo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến chính là để thực hiện Nghị quyết 131/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp cho địa phương.
Trong nghị quyết này, nguyên tắc “chỉ ban hành và duy trì những thủ tục hành chính, quy định thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất” đã được đặt ra rất cụ thể, rõ ràng với các bộ, ngành.
Đáng nói là, những quy định có thể tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp mà VCCI lo ngại lại đang có mặt trong Dự thảo được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn - nghĩa là chưa được đánh giá tác động, cũng như tham vấn doanh nghiệp một cách kỹ lường. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các quy định này chưa phù hợp và sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Có thể nhắc đến quy định doanh nghiệp không được nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa tái chế kể từ ngày 31/12/2024.
Một mặt, VCCI cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu hay điều kiện về sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Mặt khác, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành công nghiệp nhựa, nên việc hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa cần cân nhắc đến sự phát triển của ngành với quá trình tham vấn đầy đủ và lộ trình chuyển đổi dài hạn đi cùng với sự phát triển của hệ thống thu gom, tái chế phế liệu trong nước…
Hay như quy định các cơ sở sử dụng nhập khẩu phế liệu chỉ được nhập tối đa 80% nhu cầu sử dụng, còn lại phải sử dụng phế liệu thu gom trong nước từ ngày 1/1/2025. Dù có thể suy đoán rằng, cơ quan soạn thảo muốn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tái chế với các phế liệu trong nước, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…, song việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải hình thành được chuỗi thu gom phế liệu và cũng cần lộ trình, cơ chế, chính sách phù hợp…
Nhìn lại năm 2023, đáng tiếc là vẫn còn không ít quy định kiểu trên. Thậm chí, trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải nhắc đến tình hình số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm; nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Bên cạnh đó, còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thậm chí thiếu cơ sở khoa học; điều kiện kinh doanh còn nặng nề và kéo theo đó là vô vàn thủ tục hành chính.
Có thể thấy, bất cập trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm... là hệ quả của những quy định về điều kiện kinh doanh thiếu hợp lý, mang nặng tính xin - cho, tiền kiểm thay vì hậu kiểm, đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, theo đó ảnh hưởng lớn tới các hoạt động xã hội liên quan…Thậm chí, nhiều văn bản đang tạo thêm rào cản về điều kiện kinh doanh, cản trở nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp.
Cũng phải nhắc lại rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng các động thái chính sách, hành lang pháp lý và hành động cải cách. Chỉ cần một vài quy định không đồng hướng với những cam kết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để phục hồi, thì niềm tin kinh doanh sẽ lại chao đảo.