Chờ phân bổ
Trong giá thành điện năm 2015 vừa được công bố, các khoản chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện có chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ luỹ kế đến ngày 31/12/2015 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do Công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn.
Cụ thể, ở Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.545,37 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 1 là 2.554,6 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 là 3.316,54 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 là 84,49 tỷ đồng. Ở khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN, chênh lệch tỷ giá tới ngày 31/12/2015 tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 789,53 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 515,76 tỷ đồng và cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP. HCM là 580 tỷ đồng...
. |
Theo giải thích của ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, năm 2015, chênh lệch tỷ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỷ đồng cho EVN. Tuy nhiên, do giá dầu thế giới giảm, kéo theo giá khí tính theo giá dầu cũng giảm, đã giúp gánh hộ được 5.000 tỷ đồng trong chênh lệch tỷ giá này. Ngoài ra, EVN đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí trong hoạt động sản xuất.
Như vậy, chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được phân bổ dần. Năm 2015, EVN cũng có mức lợi nhuận là 2.132 tỷ đồng. Tuy nhiên, câu chuyện lỗ tỷ giá xem ra vẫn còn là gánh nặng dài dài với ngành điện, trong đó EVN là đối tượng chính bởi nhu cầu đầu tư của ngành hàng năm là rất lớn, trong khi nguồn tự có và vay trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nên vẫn phải tìm kiếm các nguồn vốn ODA, vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế.
“Ba đồng tiền chính mà tỷ giá ảnh hưởng đến việc trả nợ của EVN là USD, Yên và Nhân dân tệ. Đơn cử, tỷ giá giữa VND và USD bình quân năm 2015 là 21.948 đồng/USD, tăng 726 đồng so với tỷ giá bình quân của năm 2014, tương ứng tỷ lệ 3,42%. Còn nếu lấy mốc thời điểm 31/12/2015 so với cùng kỳ của năm 2014 thì tỷ giá này đã có mức tăng khoảng 5%”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, có những dự án điện BOT dù ở Việt Nam nhưng EVN phải trả tiền mua điện bằng USD hoặc bằng VND nhưng theo tỷ giá của ngày thanh toán hoặc trả tiền mua điện từ Trung Quốc.
Áp lực giá điện năm 2017
Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện trong năm 2017, theo ông Tuấn, sẽ xây dựng giá điện cơ sở làm cơ sở tính toán việc điều chỉnh giá điện.
Cũng theo ông Tuấn, “Hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng giá điện cơ sở của năm 2017 trên cơ sở giá kiểm tra của năm 2015, các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ước tính của năm 2016. Do giá điện phụ thuộc vào các yếu tố: chi phí nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu nguồn điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện trên thị trường nên sau khi tính toán, nếu chi phí sản xuất điện của năm 2017 mà cao hơn 7% thì mới được điều chỉnh giá điện”.
Hiện Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành khung giá bán điện 2016 – 2020 và việc điều chỉnh giá đều phải nằm trong khung giá được Chính phủ quy định. "Trách nhiệm của EVN là phải đảm bảo cân đối cung - cầu để cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mỗi lần điều chỉnh giá điện đều phải được xem xét, đánh giá xem ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế, đến hộ dân và các nhà máy…", ông Tuấn nói.
Theo ông Đinh Quang Tri, “Mỗi năm, vốn đầu tư của EVN cần từ 5 - 6 tỷ USD và có nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, nên việc Chính phủ bảo lãnh để vay vốn, trong điều kiện tài chính của EVN hiện nay là rất cần thiết”, ông Tri nói. Cũng theo ông Tri, mục tiêu để các đơn vị trong EVN đảm bảo tài chính, tiến tới tự phát hành trái phiếu, mà không cần bảo lãnh của Chính phủ cũng đã được lãnh đạo Tập đoàn đặt ra.