Toàn cảnh phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh 2022.
Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 16/4.
Lý do trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Chính phủ trình bày là vì báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam dự kiến được thông qua tại Hội nghị toàn thể của FATF.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên thời gian tổ chức Hội nghị bị hoãn lại và dự kiến tổ chức vào tháng 2/2022. Sau khi Hội nghị thông qua Báo cáo thì mới xác định được chính xác, đầy đủ nội dung các khuyến nghị mà Việt Nam phải thực hiện và làm cơ sở để xây dựng dự thảo Luật nhằm đáp ứng các khuyến nghị này.
Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, soạn thảo, đảm bảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thời gian trình Quốc hội tháng 5/2022 không đảm bảo tính khả thi.
Lý do nữa là, theo báo cáo đánh giá đa phương về phòng, chống rửa tiền, Việt Nam có 12 tháng để khắc phục các thiếu sót được nêu tại Báo cáo, do đó, để đảm bảo thời gian thực hiện khuyến nghị là 12 tháng (đến tháng 2/2023, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải được trình Quốc hội thông qua tại 1 kỳ họp vào tháng 10/2022 để đảm bảo đến tháng 2/2023, Việt Nam đáp ứng yêu cầu tại các khuyến nghị, tránh bị FATF, APG áp dụng các biện pháp bất lợi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với thuyết minh này của Chính phủ.
Kết luận cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung 5 dự án, bao gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).
Nhận xét Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) chưa được bổ sung vào Chương trình năm 2022 vì còn nhiều nội dung chính sách chưa được làm rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị kỹ hồ sơ, bảo đảm chất lượng, tính khả thi để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.
Tại kỳ họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào Chương trình và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp (soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng được quyết định việc bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ ba (khai mạc ngày 23/5/2022).