Thời sự
Gỡ vướng cho hoạt động hợp tác xã, đấu thầu
Nguyễn Lê - 21/04/2022 13:25
Chính phủ đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) hai dự án Luật Hợp xã (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022

Rõ quy định doanh nghiệp trong hợp tác xã

Tại kỳ họp thứ ba (khai mạc cuối tháng 5/2022), Quốc hội khoá XV sẽ quyết định Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022. Về nội dung này, Chính phủ đã có 6 tờ trình, tổng số tài liệu trình là 8.348 trang. Trong 8 dự án luật được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ tư (cuối năm 2022) để Quốc hội cho ý kiến lần đầu có Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Với Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan sẽ chủ trì thẩm tra dự án luật), sắp tới, Hội nghị Trung ương 5 sẽ bàn và quyết định về kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể. Vì thế, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là, sau khi có chủ trương của Trung ương về vấn đề này, sẽ trình Quốc hội xem xét, còn tính cấp thiết phải sửa Luật Hợp tác xã đã được khẳng định rõ.

Phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022 cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, được giao chủ trì soạn thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ đã tổng kết thi hành 10 năm Luật Hợp tác xã, tổng kết 20 năm thi hành Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Trong quá trình tổng kết 2 nội dung trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp rất chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã, tổ chức nhiều hội thảo, trong đó có hội thảo quốc tế, lấy ý kiến tất cả các địa phương. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng có 4 cuộc làm việc chuyên đề với các địa phương về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, quá trình chuẩn bị nổi lên 3 nhóm vấn đề lớn, các hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi.

Thứ nhất, các quy định chồng chéo, chưa thống nhất với các luật khác, như Bộ luật Dân sự, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, một số quy định chưa đầy đủ và đã lạc hậu, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Ví như các quy định về tổ kinh tế, kinh tế hợp tác chưa bao quát hết được các khu vực của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Quy định về kiện toàn hợp tác xã chưa được cụ thể, rõ ràng. Một số quy định về quản lý nhà nước về hợp tác xã như đăng ký tổ chức lại, chuyển đổi, giải thể chưa phù hợp. Vấn đề lớn nhất là huy động nguồn lực cho hợp tác xã cũng chưa được quy định cụ thể, các địa phương cũng kiến nghị rất nhiều.

Nhóm vấn đề thứ ba cần sửa, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông là, các quy định phản ánh bản chất của hợp tác xã, như nguyên tắc mở rộng thành viên, quy định bắt buộc thành viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, quy định liên quan đến biểu quyết của thành viên.

Cho biết, chắc chắn Hội nghị Trung ương 5 sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí trình Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại kỳ họp thứ tư. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nghiên cứu một số nội dung rất quan trọng trong lần sửa đổi này. Chẳng hạn, Luật Hợp tác xã cho phép hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, nhưng chưa nói đến quy trình, thủ tục, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp này.

“Tôi sang Israel, doanh nghiệp tưới nhỏ giọt của Tập đoàn DELTA một năm có doanh thu hàng tỷ USD, nhưng thực chất là một doanh nghiệp của một hợp tác xã Israel. Còn ở Trung Quốc, có những hợp tác xã sở hữu những công ty du lịch có hàng loạt khách sạn 5 sao. Thực tiễn ở Việt Nam, tại Ninh Bình, đã có những chủ hợp tác xã thành lập đến 5 doanh nghiệp. Nhu cầu thành lập doanh nghiệp rất lớn, nhưng cơ sở pháp lý và vận hành của doanh nghiệp trong hợp tác xã như thế nào thì cần phải rõ ở lần sửa đổi này”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Nêu rõ hiện nay có rất nhiều chính sách liên quan đến hợp tác xã, nhưng không đi vào cuộc sống được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải đánh giá kỹ việc này để luật hóa, không để ở nghị định nữa. “Nghị định nói mỗi hợp tác xã được vay không cần thế chấp đến 500 triệu đồng, nhưng bây giờ thực tế không có một ngân hàng thương mại nào cho hợp tác xã vay không có thế chấp, cho nên chính sách không đi vào được cuộc sống”, ông Vương Đình Huệ nêu ví dụ.

Ngăn chặn tiêu cực trong đấu thầu

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với 5 nhóm chính sách nhằm tiếp tục tạo khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật.

Mục tiêu sửa đổi còn nhằm khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Dự luật cũng hướng đến đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng.

Việc sửa đổi còn hướng đến xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, thúc đẩy hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.

Cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội hóa, lĩnh vực có hai nhà đầu tư quan tâm thì chưa được quy định rõ ràng. Ví dụ, hiện có rất nhiều các nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến đầu tư trong lĩnh vực điện, bệnh viện, sân bay, môi trường..., nhưng chưa có quy định, nên có lúng túng trong thực tiễn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thường trực tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, rà soát các vướng mắc, khó khăn thấy rất nhiều địa phương đề nghị phải bổ sung hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, các quy định về trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Luật Đấu thầu vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa giải quyết được trong một số trường hợp cấp bách. Ví dụ, trong các chương trình phòng, chống dịch bệnh, xây dựng các công trình có quy mô lớn cần đẩy nhanh tiến độ.

Đặc biệt, ông Đông cho biết, hiện nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đều có cam kết mở cửa thị trường mua sắm công, vì thế, phải thực hiện cam kết quốc tế để điều chỉnh Luật Đấu thầu ở những nội dung liên quan.

“Chúng tôi mong muốn được giữ như chương trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và thông qua ở kỳ họp thứ năm”, Thứ trưởng Trần Duy Đông trình bày và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với lộ trình này.

Tiếp tục lùi thời hạn trình Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo chương trình đã được Quốc hội quyết định, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ ba, tháng 5/2022. Song, Chính phủ tiếp tục đề nghị xin lùi thời hạn trình dự thảo này đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội lùi thời gian trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ ba sang kỳ họp thứ tư của Quốc hội (cuối năm 2022).

Tin liên quan
Tin khác