Có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6-6,5%
“Có thể nói, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% theo kế hoạch của Chính phủ là có thể đạt được”, PGS-TS. Tô Trung Thành, giảng viên NEU khẳng định. Lý do là tình hình dịch bệnh năm nay khác xa so với năm 2021, khi độ phủ vắc-xin gần như đã đến được với 100% người dân, tạo điều kiện cho mọi hoạt động kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng thời kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
“Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế 4 tháng đầu năm đã chứng minh điều này, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò là động lực dẫn dắt nền kinh tế. Cầu nội địa đang phục hồi mạnh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2022 tăng 4,4%) và hoạt động xuất nhập khẩu đang bứt phá (quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4%)”, ông Thành phân tích.
Thậm chí, theo ông Thành, tốc độ tăng trưởng có khả năng tiếp cận được với cận trên (tăng 6,5%), nếu những tháng cuối năm đẩy mạnh được đầu tư công và cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ hơn.
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Francois Painchaud cho biết, IMF vừa đưa ra dự báo tốc độ kinh tế giảm khá sâu đối với toàn cầu cũng như khu vực châu Á. Riêng Việt Nam, dự báo đưa ra vẫn là năm nay sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6% và sẽ lên 7% vào năm tới.
“Việc Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay là vì các biện pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi đã chứng minh sự hiệu quả. Ngoài ra, sau 2 năm thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt (đại dịch Covid-19), Việt Nam đã rất thành công và đang áp dụng kinh nghiệm này để ứng phó với tình hình mới có những diễn biến rất khác biệt so với những năm trước (vừa dịch bệnh, vừa chịu hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine)”, ông Francois Painchaud nói.
Mặc dù lạc quan, nhưng GS-TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU vẫn khá thận trọng khi cho rằng, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng. Lạm phát kỳ vọng gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, thu ngân sách có thể khó khăn khi thị trường tài sản (bất động sản) điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế theo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, xã hội lên tới 350.000 tỷ đồng.
Đối mặt với nhiều bất ổn
Năm 2021, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước (chưa kể phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm), nhưng tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất trong hai thập kỷ gần đây (2,58%). Điều này đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và/hoặc hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế.
“Tín dụng, bằng các cách khác nhau, có thể không trực tiếp đi vào sản xuất, mà trực tiếp hoặc gián tiếp đi vào thị trường tài sản, nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu. Dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5”, ông Chương lo ngại.
Bên cạnh đó, theo ông Chương, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới lỏng một số quy định an toàn hệ thống để hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế ứng phó với đại dịch khiếu nợ xấu đã tăng trở lại. Những khó khăn của khu vực kinh tế thực cuối cùng có thể “lây nhiễm” sang khu vực tài chính. Những rủi ro bất ổn và thiếu lành mạnh đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán gồm cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Trong khi Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, thì Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách Zero Covid với các chính sách giãn cách xã hội được thực hiện ở nhiều địa phương, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng cho thị trường thế giới gặp khó khăn, vì Trung Quốc vẫn đang là “công xưởng” của nền kinh tế thế giới.
Cuộc chiến Nga-Ukraine cũng là nhân tố tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát đang là nỗi lo của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế đã lên rất cao trong năm 2021 và đang thiết lập những kỷ lục mới do cuộc chiến Nga-Ukraine.